Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), những năm gần đây, BR-VT được xếp vào nhóm những tỉnh có tốc độ phát triển cao, với quy mô kinh tế năm 2020 đạt hơn 15 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 6% tổng GDP của quốc gia; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đứng thứ 4/63 tỉnh, thành cả nước, đóng góp hơn 5% trong tổng thu ngân sách quốc gia; là một trong số ít tỉnh, thành tự chủ động cân đối ngân sách địa phương từ năm 1996 đến nay…
Xác định 4 mũi nhọn
"Để có được những con số ấn tượng trên, BR-VT đã xác định rõ công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp là 4 mũi nhọn kinh tế của tỉnh" - Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT nhấn mạnh.
Nói về công nghiệp, theo đánh giá của các tỉnh, thành lân cận, lĩnh vực này đã phát triển nhanh ở BR-VT. Từ chỗ chỉ có các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ, phân bố rải rác, đến nay đã có 15 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 8.500 ha, trong đó 13 KCN đang hoạt động. Đặc biệt, BR-VT là địa phương có nhiều nhà máy công nghiệp quy mô lớn, có ý nghĩa không chỉ đối với sự phát triển của tỉnh mà còn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia như Trung tâm Điện lực Phú Mỹ, dự án khí Nam Côn Sơn, Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam…
Tương tự, từ chỗ chỉ có một vài cảng chuyên dùng phục vụ cho ngành dầu khí và đánh bắt hải sản, đến nay dọc tuyến sông trước đây vốn là vùng đất sình lầy, ngập mặn, không có hệ thống giao thông kết nối đã hình thành hệ thống cảng biển tổng hợp được quy hoạch là cảng loại đặc biệt cấp quốc gia. Riêng Cái Mép - Thị Vải đã có 22 dự án đi vào hoạt động. Với lượng hàng tăng trưởng liên tục, Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi châu Âu, châu Mỹ và có tần suất đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á. Cái Mép - Thị Vải đã vào nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới từ năm 2019. "Đến nay, có thể khẳng định cảng biển phát triển vượt bậc, trở thành trụ cột kinh tế quan trọng của BR-VT" - lãnh đạo UBND tỉnh BR-VT cho biết.
Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến lý tưởng của du khách và doanh nghiệp
Riêng du lịch, đang từng ngày, từng giờ trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho BR-VT. Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, lượng khách có lưu trú tăng bình quân 7,39%/năm; lượng du khách đến tỉnh hằng năm trung bình khoảng 15 - 16 triệu lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch (từ các cơ sở lưu trú) đạt bình quân hơn 5.000 tỉ đồng/năm. "Có được như vậy là nhờ BR-VT đã phát triển hơn 1.100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 457 cơ sở được phân loại xếp hạng từ đạt chuẩn đến 5 sao với 12.897 phòng. Hàng loạt dự án mới, những resort, khách sạn đẳng cấp quốc tế đã đưa vào khai thác kinh doanh góp phần phát triển thêm sản phẩm du lịch chất lượng cao. Đặc biệt, những khu nghỉ dưỡng, khách sạn nằm gần biển với kiến trúc sang trọng và chất lượng phục vụ tốt đã để lại ấn tượng trong lòng du khách cả trong và ngoài nước" - ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh BR-VT, bày tỏ. Hiện BR-VT đang tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng, củng cố thương hiệu du lịch; đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm…
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định đến nay cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển hoàn thiện với hàng loạt chương trình, dự án. Hiện trên địa bàn tỉnh có 344 cơ sở sản xuất, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với 2.817,68 ha đất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản lượng 35.252,6 tấn/năm.
Để bảo đảm cho sự phát triển bền vững, BR-VT đã định hình không gian kinh tế với 4 vùng rõ rệt. Trong đó, vùng tập trung phát triển công nghiệp và cảng biển ở phía Tây (dọc Quốc lộ 51 và sông Thị Vải - Cái Mép), vùng tập trung phát triển du lịch, đô thị và dân cư ở khu vực phía Nam và Đông Nam của tỉnh; vùng phát triển nông nghiệp tập trung ở phía Bắc; vùng thềm lục địa và hải đảo là khu vực tập trung phát triển các ngành kinh tế biển, đồng thời bảo vệ quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.
Chú trọng chất lượng sống
Kinh tế phát triển tạo điều kiện thuận lợi để BR-VT triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển, lãnh đạo tỉnh BR-VT khẳng định con người luôn là gốc của mọi vấn đề. Tỉnh luôn xem việc chăm lo đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là mục tiêu hàng đầu.
"Các bệnh viện hàng trăm giường liên tiếp được xây mới, máy móc, thiết bị y tế được đầu tư hiện đại. Tỉ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 20,6 giường, tỉ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 8,7 bác sĩ; đã triển khai ứng dụng một số kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân" - Sở Y tế nhấn mạnh và thông tin đến nay, tỉ lệ dân số tham gia BHYT đạt 90% (bình quân cả nước 89%).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay đến nay tỉ lệ người dân vùng nông thôn được tiếp cận với nước bảo đảm vệ sinh lên tới 99,8% (năm 1991 khi mới lập tỉnh là 46%), trong đó hơn 92% dân số nông thôn sử dụng nước máy. Tương tự, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, đi vào thực chất. Qua đó, số lao động làm việc trên địa bàn tỉnh tham gia BHXH đạt 34% (bình quân cả nước khoảng 27%).
Những con số trên của BR-VT hoàn toàn thực chất nếu ai đến tỉnh này trong những ngày giãn cách xã hội vừa qua. Thời điểm đó, ngoài giảm giá điện, nước cho các hộ khó khăn, BR-VT còn đến tận nhà những lao động gặp khó khăn để trao quà. Hiện toàn tỉnh đã hình thành nhiều câu lạc bộ giúp người gặp khó khăn trong dịch bệnh để bảo đảm không ai thiếu lương thực trong những ngày giãn cách.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh BR-VT, thành tựu lớn nhất mà địa phương này đạt được là từ năm 2020, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Để chăm lo đời sống tốt nhất cho người dân, BR-VT đã ban hành chuẩn nghèo riêng của tỉnh cao hơn chuẩn nghèo quốc gia từ 1,5 đến 1,75 lần để mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người thu nhập thấp. "Ngoài ra, các đối tượng dễ bị tổn thương được quan tâm chăm sóc và trợ giúp kịp thời, đặc biệt là người cao tuổi neo đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi được trợ cấp thường xuyên hoặc chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội với mức trợ cấp cao hơn từ 1,2 đến 1,5 lần so với mức chuẩn trợ cấp do Chính phủ quy định" - ông Nguyễn Văn Thọ nói. Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT khẳng định dù tỉnh đã và đang thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực nhưng quan điểm là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.
Trái ngọt!
Báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh BR-VT cho thấy năm 2021, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 30 dự án đầu tư vào các KCN nhưng đến nay đã có 44 dự án đầu tư được cấp mới với tổng số vốn gần 1 tỉ USD, trong đó có 32 dự án trong nước và 12 dự án FDI. Kết quả này thể hiện dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nên dòng vốn đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn tăng mạnh.
Tính đến hết tháng 10-2021, toàn tỉnh có 503 dự án đầu tư trong các KCN còn hiệu lực, đạt tỉ lệ lấp đầy là 65,7% trong tổng số 13 KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng. Hầu hết các dự án có quy mô và suất đầu tư lớn, ít thâm dụng lao động, tập trung chính vào các lĩnh vực du lịch, cảng biển, sản xuất công nghiệp...
Bình luận (0)