Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) có 1 đồ án quy hoạch vùng tỉnh, 2 quy hoạch vùng huyện, 11 đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị, 59 đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000… Tỉnh cũng thường xuyên rà soát các đồ án quy hoạch đã phê duyệt để đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cập nhật những điều chỉnh cục bộ
Năm 2021, về cơ bản, tất cả đô thị trên địa bàn tỉnh BR-VT đều đã được lập, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng. Các khu chức năng chính trong đô thị đã được phê duyệt quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000, đồng thời từng bước phủ kín quy hoạch tỉ lệ 1/500, làm cơ sở quản lý đô thị theo quy hoạch.
Mới đây, UBND tỉnh BR-VT đã có văn bản trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2030. Việc điều chỉnh lần này nhằm cập nhật những điều chỉnh cục bộ trong quá trình phát triển như khu trung tâm hành chính mới của huyện, hạ tầng khu Tây Bắc hồ Quang Trung - An Hải, khu cảng Bến Đầm, Khu Du lịch Polou Condor, đường Tây Bắc Côn Đảo… Đặc biệt, việc quy hoạch mở rộng sân bay Cỏ Ống (huyện Côn Đảo) sẽ tác động không nhỏ đến các không gian lân cận được xác định trong đồ án điều chỉnh năm 2011.
Sau gần 10 năm triển khai xây dựng, huyện Côn Đảo cơ bản tuân theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng năm 2011 như dự báo quy mô dân số, bố trí các khu chức năng. Nhiều khu vực đã triển khai như khu trung tâm, khu vực Bến Đầm, đường Tây Bắc Côn Đảo. Địa phương đã đầu tư hệ thống hạ tầng các trục đường chính trong đô thị, hoàn thành khai thác một số khu du lịch đẳng cấp quốc tế, xây dựng cải tạo các không gian công cộng đô thị, góp phần tạo bộ mặt kiến trúc đô thị khang trang hiện đại.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong tương lai sẽ có nhiều điều chỉnh để phát triển đô thị
Tuy nhiên, quy hoạch chung năm 2011 đã bộc lộ nhiều bất cập, một số khu vực chưa cập nhật sát với thực tế dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý theo quy hoạch.
Năm 2019, TP Vũng Tàu cũng được Thủ tướng phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, với tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ công cộng và đầu mối giao lưu quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong đồ án đó, định hướng phát triển không gian TP Vũng Tàu gồm 7 khu vực: khu vực đảo Long Sơn là trung tâm công nghiệp dầu khí quốc gia; khu vực Gò Găng phát triển đô thị mới gắn với sân bay Gò Găng; khu Bắc Phước Thắng; khu vực công nghiệp - cảng, mở rộng khu cảng Sao Mai - Bến Đình; khu vực hiện hữu tập trung cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị; khu vực Bắc Vũng Tàu phát triển các khu chức năng; khu vực phát triển du lịch ven biển; trung tâm đô thị phát triển mới sẽ tập trung xây dựng tại khu trung tâm hành chính thành phố, tại khu vực Bắc Vũng Tàu.
Với thị xã Phú Mỹ, đồ án điều chỉnh chung quy hoạch đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp, cảng biển quốc tế, dịch vụ, du lịch, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Đến nay, cơ bản đô thị mới Phú Mỹ đã hình thành 3 vùng chức năng phát triển tuyến tính lần lượt từ Tây sang Đông, là cảng biển - công nghiệp - dân dụng theo đúng tính chất, chức năng đồ án quy hoạch chung đã phê duyệt.
Lãnh đạo tỉnh BR-VT nhận định các địa phương đang tổ chức triển khai lập mới, điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn, trong đó 2 quy hoạch vùng huyện, 8 quy hoạch chung đô thị. Khi các đồ án quy hoạch được phê duyệt sẽ là công cụ để cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở thực hiện công tác quản lý quy hoạch xây dựng và thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Đây cũng là ưu tiên quan trọng trong thời điểm hiện tại của địa phương.
Cân đối, phân bổ nguồn lực
Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngoài lĩnh vực khai thác dầu khí, BR-VT còn là một trong những trung tâm năng lượng, công nghiệp, du lịch, cảng biển của cả nước. Vì vậy, song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, cần phải quy hoạch xây dựng và có chương trình phát triển đô thị để thực hiện cân đối, phân bổ nguồn lực phát triển cho từng giai đoạn, chủ động đầu tư phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, chương trình phát triển đô thị xây dựng tỉnh BR-VT đã được phê duyệt để đưa tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp, cảng biển theo hướng hiện đại. Trong tương lai, BR-VT sẽ chú trọng đầu tư khung hạ tầng kết nối vùng kinh tế trọng điểm, không ngừng phát triển các đô thị như Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền - Long Hải và hình thành mới các đô thị chuyên ngành làm động lực phát triển trục hành lang kinh tế công nghiệp, cảng biển và hành lang kinh tế dịch vụ, du lịch.
Định hướng và mục tiêu phát triển của tỉnh đến năm 2025 phấn đấu toàn tỉnh có 14 đô thị, trong đó 2 đô thị loại I là TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa; 3 đô thị loại III gồm Long Điền - Long Hải, Phú Mỹ và Côn Đảo; 2 đô thị loại IV gồm Ngãi Giao, Phước Bửu và 7 đô thị loại V, gồm các thị trấn hiện hữu: Đất Đỏ, Phước Hải; các thị trấn dự kiến thành lập mới gồm: Kim Long, Bình Châu, Lộc An, Hòa Bình và Hồ Tràm. Tỉ lệ đô thị hóa toàn tỉnh dự kiến khoảng 70%.
Giai đoạn 2021-2025, BR-VT sẽ tập trung ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng đường cao tốc và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường Phước Hòa - Cái Mép, đường 991B… Tỉnh cũng ưu tiên thu hút đầu tư trung tâm dịch vụ hậu cần cảng Cái Mép Hạ và lập kế hoạch triển khai di dời sân bay Vũng Tàu ra đảo Gò Găng, mở rộng nâng cấp sân bay Cỏ Ống và đầu tư xây dựng sân bay Lộc An.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, cho biết trên cơ sở phát triển đô thị toàn tỉnh, các địa phương cũng đang hoàn thiện, trong đó chương trình phát triển đô thị Bà Rịa giai đoạn 2018 - 2025 đã được phê duyệt năm 2019. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ phê duyệt chương trình phát triển đô thị TP Vũng Tàu. Đối với TP Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ, huyện Côn Đảo, tỉnh sẽ phê duyệt chương trình phát triển đô thị sau khi điều chỉnh quy hoạch chung được thông qua.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, về cơ bản công tác quản lý quy hoạch đã đạt được nhiều thành quả tích cực, làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, từ đó đời sống người dân dần được nâng cao và nhận được ủng hộ, đánh giá tích cực của người dân lẫn du khách, xứng tầm là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, khó khăn về hệ thống pháp luật, nguồn lực triển khai, tiến độ còn chậm, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng dẫn đến tình trạng quy hoạch treo, dự án treo.
Công khai quy hoạch
Trong những năm qua, tỉnh BR-VT cũng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để khớp nối các quy hoạch với nhau, xây dựng lộ trình cho công tác lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng cho dự án trọng điểm góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành, địa phương công khai quy hoạch trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, truy cập thông tin.
Bình luận (0)