Ngày 28-4, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về những phản ánh trên Báo Người Lao Động liên quan đến người nước ngoài làm việc tại tỉnh, chủ trì cuộc họp có ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh.
Trước đó, qua nắm tình hình, quản lý người nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển, tháng 4-2020, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra quyết định xử phạt Công ty China Haisum Engineering Co., Ltd đang thực hiện gói thầu "Máy chuẩn bị nguyên liệu giấy và sản xuất giấy mới" tại lô 7, khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu số tiền 75,5 triệu đồng về 2 hành vi "Người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động" và "Tổ chức cho người nước ngoài vào khu vực biên giới chưa được cấp phép hoặc không được cấp phép của cơ quan công an có thẩm quyền".
Công ty này có 57 lao động không có giấy phép vào khu vực biên giới biển, trong số này có 26 lao động không có giấy phép lao động của cơ quan có thẩm quyền cấp.
Sau khi báo chí đăng tải thông tin trên, có nhiều bình luận của bạn đọc tỏ ra lo lắng về việc quản lý người lao động nước ngoài tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trong khi tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, một số bình luận cũng nghi ngờ liệu nhóm người này đã được cách ly y tế theo quy định không?.
Để làm rõ vấn đề, ông Nguyễn Văn Thọ đã yêu cầu từng đơn vị báo cáo cụ thể về vụ việc.
Theo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Công ty China Haisum Engineering Co.,Ltd được hoạt động hợp pháp, có "Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài" do Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp ngày 26/4/2019 để thực hiện gói thầu "Máy chuẩn bị nguyên liệu giấy và sản xuất giấy mới" tại lô B7, Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ).
Bà Rịa-Vũng Tàu có 26 phường, xã thuộc khu vực biên giới biển
57 lao động người Trung Quốc, được công ty đưa vào làm việc có đầy đủ thị thực (visa lao động và visa doanh nghiệp) nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất. Trong số này, có 3 lao động vào Việt Nam các ngày 10,17 và 18-3, là thời điểm Việt Nam yêu cầu cách ly 14 ngày nên 3 lao động này đã được đưa đi cách ly đủ 14 ngày, hằng ngày đựợc theo dõi sức khoẻ, giám sát chặt chẽ. Số lao động còn lại được doanh nghiệp đưa vào Việt Nam trước thời điểm dịch bùng phát cũng đã được kiểm tra.
Tuy nhiên, Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh có 26 xã, phường nằm trong khu vực biên giới biển quy định tại Nghị định 71/2015/NĐ-CP ngày 3/9/2015 của Chính phủ và Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 nằm trong khu vực biên giới biển nên ngoài những giấy tờ, thị thực hợp lệ, số lao động này cần phải có giấy phép khi vào khu vực biên giới biển do công an cấp tỉnh nơi đăng ký tạm trú cấp.
Theo biên bản làm việc với công ty, do không nắm được những quy định này nên phía công ty đã không khai báo và xin cấp giấy phép vào khu vực biên giới biển cho số lao động trên.
Về việc chưa hoàn thiện giấy phép lao động cho 26 người, do thời điểm đang dịch bệnh nên phía công ty cũng chưa kịp bổ sung.
Tháng 3-2020, sau khi phát hiện công ty có 57 lao động vào khu vực biên giới biển chưa có giấy phép của cơ quan công an cấp và 26/57 người chưa có giấy phép lao động, Bộ đội biên phòng tỉnh đã lập biên bản vi phạm, sau đó ra quyết định xử phạt.
Thượng tá Nguyễn Hùng Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đơn vị đã rà soát, đối chiếu kỹ các quy định, thận trọng đánh giá mức độ vi phạm. Vụ việc trước đó cũng đã được báo cáo với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trước khi ra quyết định xử phạt.
Tại cuộc họp, Đại tá Bùi Văn Thảo – Giám đốc công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho biết, số lao động này nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp, có mục đích rõ ràng là lao động cho doanh nghiệp. Lý do khiến việc cấp giấy phép vào khu vực biên giới biển chậm trễ là do chưa có sự thống nhất giữa luật và nghị định. Theo Đại tá Thảo, nếu căn cứ theo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cứ trú, của người nước ngoài vào Việt Nam thì người nước ngoài tạm trú ở cơ sở lưu trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển…. không quy định phải xin giấy phép.
Nhưng nếu căn cứ theo Nghị định 71/2015/NĐ-CP "người nước ngoài thường trú, tạm trú ở Việt Nam khi đến khu vực biên giới biển hoặc đến các đảo, quần đảo (trừ khu du lịch, dịch vụ, khu kinh tế) phải có hộ chiếu… và giấy phép vào khu vực biên giới biển…". Chính vì chưa có sự thống nhất giữa luật và nghị định, đồng thời UBND tỉnh cũng chưa công bố địa giới hành chính khu du lịch, khu dịch vụ, khu kinh tế để làm căn cứ nên phòng Quản lý xuất nhập cảnh chưa cấp giấy phép "Với những trường hợp này thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm tự khai báo với cơ quan có thẩm quyền để được cấp phép vào khu vực biên giới biển. Nếu không khi kiểm tra cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử phạt theo quy định và yêu cầu xin phép", đại tá Thảo thông tin thêm.
Sau khi được giải thích, ngày 26-3, đại diện công ty đã đến Phòng quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh để đề nghị được cấp giấy phép vào khu vực biên giới biển theo quy định và được xét duyệt cấp.
Tại cuộc họp cũng có thêm các ý kiến của bên Ban quản lý các KCN tỉnh, Sở Ngoại Vụ, Sở Lao động thương binh xã hội liên quan đến vụ việc.
Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, sau khi nghe các bên trình bày thì việc xử phạt công ty là đúng theo quy định pháp luật, tuy nhiên ông Thọ yêu cầu cần phải có sự kết hợp giữa lực lượng biên phòng, cơ quan công an cũng như các sở, ban, ngành để việc quản lý được thống nhất, chặt chẽ hơn. Chủ tịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng mong Báo Người Lao Động thông tin có để bạn đọc nắm rõ về quy trình xử lý vụ việc đã được thực hiện đầy đủ, tránh những dư luận không hay.
Bình luận (0)