Những ngày cuối năm, gia đình anh Trần Trung Thanh (ngụ TP HCM) đã cùng gia đình có dịp về tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vui chơi, tắm biển sau khi địa phương này nới lỏng các hoạt động, cho phép đón khách du lịch trở lại.
Xoá bỏ rào cản
Cân nhắc giữa TP Vũng Tàu và các huyện, gia đình anh Thanh đã lựa chọn một khách sạn 3 sao tại đường ven biển thuộc huyện Xuyên Mộc để nghỉ ngơi. Sau nhiều năm mới quay lại đây, anh Thanh khá bất ngờ vì du lịch của Bà Rịa- Vũng Tàu dường như đã "lột xác", thay đổi rất nhiều so với những năm trước đây.
Đặc biệt, dọc tuyến đường ven biển từ thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) đến xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) nhiều khu du lịch, khách sạn đẳng cấp mọc lên, các tuyến đường được đầu tư nâng cấp.
HÌnh ảnh du khách tắm biển đông đúc tại khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu thời điểm chưa có dịch Covid-19
Đặc biệt hơn, bãi biển tại Xuyên Mộc sạch đẹp, không còn tình trạng nhếch nhác bởi quán hàng lụp xụp, những loa hát karaoke ầm ĩ hay các chợ hải sản bốc mùi, rác thải trải dài như xưa.
"Ấn tượng của tôi là đường đẹp, biển sạch, phòng ốc sang trọng hơn trước. Du lịch của Bà Rịa- Vũng Tàu đã thay đổi theo hướng tích cực. Gia đình chúng tôi rất vui vì mình đã lựa chọn đúng và chắc chắn sẽ quay lại đây thường xuyên", anh Thanh đánh giá.
Để du khách có cách nhìn khác về du lịch của địa phương cũng như nâng chất lượng trong lĩnh vực du lịch, mới đây UBND huyện Xuyên Mộc đã quyết định lập lại trật tự cho bãi biển Hồ Tràm với mục tiêu trả lại bãi tắm công cộng cho người dân và du khách sau nhiều năm bị trưng dụng làm chợ tạm, nơi kinh doanh ăn uống bát nháo, mất vệ sinh…
Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, cho biết với quyết tâm xây dựng bãi biển Hồ Tràm thành điểm đến văn minh, địa phương đã động viên, thuyết phục các hộ kinh doanh chuyển đổi ngành nghề và tháo dỡ những quán hàng lụp xụp, nhếch nhác.
"Nơi đây được xác định là trung tâm du lịch của huyện với bãi biển sạch đẹp để phục vụ cho người dân địa phương và du khách. Không chỉ khu vực này, huyện Xuyên Mộc cũng hướng đến nâng chất lượng cho du lịch và thu hút các chủ đầu tư có thương hiệu, nâng tầm cho du lịch địa phương", bà Trang Đài khẳng định.
Từ năm 2016, thấy được những "rào cản" kìm hãm sự phát triển của du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, TP Vũng Tàu cũng đã quyết định cải thiện môi trường biển bằng việc cấm tụ tập ăn uống, xả rác dưới bãi biển. Địa phương này cũng dẹp bỏ những quán hàng lụp xụp ngay tại khu vực Bãi Sau, trả lại không gian cho du khách vui chơi.
Nhờ sự quyết tâm của cả bộ máy chính trị, chỉ ít năm sau TP Vũng Tàu đã trở thành điểm đến lý tưởng của du khách mỗi dịp cuối tuần, không còn tình trạng chặt chém, chèo kéo khách như trước đây.
Du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu đã có nhiều bước "chuyển mình"
Nhiều du khách cũng có chung nhận xét những năm qua du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu đã có bước "chuyển mình" mạnh mẽ và ngày càng khẳng định được thương hiệu, chất lượng được coi trọng hơn.
Dẫn chứng là có rất nhiều dự án du lịch chất lượng cao hình thành và hoạt động hiệu quả như Vietsovpetro Resort, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino, Sixsenses Côn Đảo, Lan rừng Resort Phước Hải, Oceanami Villas & Beach Club, Marina Bay Vũng Tàu và rất nhiều dự án của các doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thịnh cũng đang đầu tư, xây dựng các khu du lịch đẳng cấp, căn hộ nghỉ dưỡng sang trọng tại Bà Rịa- Vũng Tàu…
Theo thống kê đến năm 2020, toàn tỉnh có 1.235 cơ sở lưu trú kinh doanh phục vụ khách du lịch với 26.754 phòng, trong đó số cơ sở lưu trú được phân loại xếp hạng từ 1 đến 5 sao là 170 cơ sở với 10.225 phòng.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và với những biện pháp căn cơ nhằm xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển, định vị thương hiệu du lịch của địa phương theo hướng nâng cao chất lượng, mỗi năm lượng du khách đến tỉnh đã vào khoảng 15- 16 triệu lượt, trong đó khách lưu trú trên 3 triệu lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch (từ các cơ sở lưu trú) đạt bình quân trên 5.000 tỉ đồng/năm.
Đa dạng các loại hình du lịch
Theo đánh giá của giới chuyên môn, trước đây du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu chỉ tập trung ở khu vực Vũng Tàu, Long Hải, Bình Châu nhưng khoảng 5 năm trở lại, tuyến Hồ Tràm- Hồ Cốc- Bình Châu - Phước Hải mới hình thành đã nhanh chóng hấp dẫn du khách nhờ chuỗi resort và dịch vụ được đầu tư bài bản, cao cấp, không gian thoáng đạt, nối tiếp nhau trên cung đường ven biển.
Đặc biệt, huyện Côn Đảo được đánh giá như là một "kho báu" cho Bà Rịa- Vũng Tàu khai thác về lĩnh vực du lịch khi nơi đây đang dần khẳng định được vị trí trong bản đồ du lịch của thế giới.
Huyện Côn Đảo hàng năm đón lượng khách nước ngoài rất lớn với các loại hình du lịch sinh thái, khám phá bởi có khu rừng nguyên sinh hàng trăm tuổi và bãi biển du lịch gắn với bảo vệ, bảo tồn các loại động vật quý hiếm.
Bà Rịa-Vũng Tàu xác định việc phát triển sản phẩm du lịch phải gắn với xây dựng, củng cố thương hiệu du lịch.
Theo đó, tỉnh thực hiện đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm, kêu gọi đầu tư cảng tàu khách du lịch quốc tế, phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp thuộc 8 loại hình gồm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị-hội thảo (MICE), du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử-tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch thể thao.
Côn Đảo là địa điểm được du khách nước ngoài yêu mến, hàng năm ghé thăm
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết để đạt được những kết quả trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã ban hành những chủ trương quan trọng định hướng cho du lịch phát triển như quyết định phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030;
Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; kế hoạch phát triển bền vững ngành du lịch…
Song song đó, tỉnh cũng tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch. Tỉnh cũng tạo cơ chế, chính sách ưu đãi để xã hội hóa các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Ngoài ra, địa phương cũng thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao như các loại hình dịch vụ vui chơi phức hợp, dịch vụ mua sắm cao cấp.
"Tỉnh ưu tiên dành quỹ đất, các vị trí đắc địa và diện tích lớn để thu hút các nhà đầu tư quốc tế đủ năng lực tài chính vào đầu tư các sản phẩm du lịch cao cấp, các sản phẩm vui chơi giải trí, nghệ thuật, thể thao và các sản phẩm du lịch phụ trợ;
Hàng năm xây dựng và tổ chức kế hoạch đào tạo nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển. Đặc biệt, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ", ông Trịnh Hàng cho hay.
Du khách vui chơi, nghỉ dưỡng tại Minera Hot Springs Bình Châu Bà Rịa- Vũng Tàu
Với quyết tâm phát triển du lịch chất lượng cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bà Rịa- Vũng Tàu có nhiều quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhờ những biến chuyển trong các năm qua, hoạt động du lịch đã có nhiều thay đổi, khẳng định vai trò, vị trí của ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, tạo nhiều việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Vũng Tàu: Phát triển du lịch sự kiện
Ông Hoàng Vũ Thành, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cho biết định hướng của TP Vũng Tàu trong năm 2022 và các năm tiếp theo là tập trung phát triển du lịch sự kiện để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thu hút du khách, đây chính là lợi thế phát triển du lịch của đại phương.
Bên cạnh đó, TP Vũng Tàu sẽ tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng các gói sản phẩm, quảng bá phù hợp và chỉnh trang đô thị để thêm nhiều lựa chọn cho du khách.
Dự kiến vào tháng 5-2022, vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới Việt Nam 2022 (Miss World Việt Nam) sẽ được tổ chức tại TP Vũng Tàu.
Trước đó, tháng 10-2020 vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng diễn ra thành công tại đây… "Đây là minh chứng cho thấy tương lai TP Vũng Tàu sẽ phát triển hơn với loại hình du lịch này và sẽ tận dụng đó làm thế mạnh phát triển du lịch của địa phương", Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho hay.
Bình luận (0)