Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), hiện trên địa bàn tỉnh có 42 dự án, công trình trọng điểm; trong đó có 19 dự án đầu tư công, 23 dự án kêu gọi đầu tư.
Gấp rút triển khai những dự án quan trọng
Trong số những dự án này, BR-VT xác định 10 dự án trọng điểm sẽ quyết tâm thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đề ra, bao gồm: Dự án cầu Phước An; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; vườn thú hoang dã Safari - huyện Xuyên Mộc; khu đô thị Tây Nam TP Bà Rịa; Trung tâm logistics Cái Mép Hạ; đường 991B (thị xã Phú Mỹ); Trung tâm kiểm tra chuyên ngành khu vực Cái Mép - Thị Vải; chỉnh trang trục đường khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu; Công viên 30/4, TP Bà Rịa và dự án Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Đức.
Cảng Cái Mép - Thị Vải được kỳ vọng phát triển vượt bậc trong tương lai
Trong đó, những dự án quan trọng được BR-VT đánh giá là mắt xích để kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đang được tỉnh này gấp rút hoàn thành các bước cuối cùng để bắt tay vào triển khai, như: Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 23.000 tỉ đồng, theo hình thức đối tác công tư (P-P-P), loại hợp đồng BOT. Dự án cầu Phước An cũng đã xác định được vị trí, với tổng mức đầu tư dự kiến 4.879 tỉ đồng, hiện vẫn chờ 50% vốn từ ngân sách nhà nước. Dự án đường 991B cũng dự kiến tổng vốn đầu tư 3.951 tỉ đồng, trong đó trung ương đã bố trí một phần vốn, hiện BR-VT tiếp tục kiến nghị bố trí thêm 2.227 tỉ đồng để hoàn thành.
Xuyên biển, đưa điện ra Côn Đảo
UBND tỉnh BR-VT mới đây cũng có văn bản đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy cho phép báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương; đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 để bố trí đầu tư xây dựng hệ thống đường dây truyền tải điện cao áp xuyên biển từ Sóc Trăng ra Côn Đảo với tổng số vốn dự kiến khoảng 4.860 tỉ đồng.
Theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh BR-VT đã được Bộ Công Thương phê duyệt, nhu cầu điện dự báo cho huyện Côn Đảo đến năm 2025 là khoảng 21 MW, năm 2030 là 33,3 MW và đến năm 2035 là 46,4 MW. Theo quy hoạch trên, định hướng phương án cung cấp điện cho huyện giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã xác định ngoài việc xây dựng nhà máy điện mặt trời Bãi Ông Câu (5 MW) và các dự án điện khác tại chỗ, phải xây dựng tuyến cáp ngầm từ Sóc Trăng để cấp điện cho huyện Côn Đảo mới đáp ứng được nhu cầu.
Quy mô đầu tư dự án dự kiến sẽ có tổng chiều dài khoảng 100 km, trong đó đầu tư đường dây 110 KV mạch đơn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, từ trạm 220 KV Vĩnh Châu đến bờ biển dài khoảng 3 km; đoạn tuyến đường dây 110 KV đi trên biển, dài khoảng 15 km; tuyến cáp ngầm 110 KV xuyên biển, tiết diện sợi cáp 630 mm2, công suất tối đa 130 MVA, dài khoảng 78 km. Ngoài ra còn có đoạn tuyến đường dây đi trên đảo dài khoảng 4,5 km và trạm biến áp 110 KV dự kiến lắp đặt giai đoạn đầu 25 MVA.
Côn Đảo được xem là huyện có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Côn Đảo sẽ đón 300.000 lượt khách nhưng thực tế đến năm 2019 đã đón vượt con số trên. Chính vì vậy, yêu cầu cung ứng điện phục vụ đảo là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Kiến nghị bố trí vốn 3 dự án
Tham gia thảo luận tại nghị trường Quốc hội ngày 4-11 về mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn tới, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT, đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 3 dự án quan trọng, cấp thiết của tỉnh, gồm: dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; nâng cấp sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo); xây dựng đường dây truyền tải điện cao áp xuyên biển từ Sóc Trăng ra Côn Đảo.
Theo bà Nguyễn Thị Yến, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là 1 trong 21 cảng lớn nhất thế giới và vẫn chưa phát huy hết lợi thế khi chỉ đạt 50% công suất thiết kế hàng hóa qua cảng. Nguyên nhân chính ở hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ. BR-VT kiến nghị xem xét bố trí vốn cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đồng thời thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư, giao Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư vì đường đi qua 2 tỉnh BR-VT và Đồng Nai.
Đối với huyện Côn Đảo, hiện đang sử dụng máy phát không cung cấp đủ nhu cầu thực tế, đầu tư điện gió và điện năng lượng khó thực hiện. Bên cạnh đó, cảng hàng không Côn Đảo được sử dụng chung cho hoạt động dân dụng và quân dụng nhưng sân bay chỉ có một đường cất và hạ cánh với đường băng ngắn nên chỉ tiếp nhận được máy bay nhỏ, nếu thời tiết thay đổi bất thường việc đi lại sẽ khó khăn. Do đó, kiến nghị bố trí vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường dây truyền tải điện cao áp xuyên biển, từ Sóc Trăng ra Côn Đảo và nâng cấp sân bay Côn Đảo.
Bình luận (0)