Ông Dương Thành Trung (đứng), Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chỉ đạo tại cuộc họp khẩn. Ảnh: PHÚC NGUYÊN
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 1 có thể ảnh hưởng đến tỉnh Bạc Liêu, lúc 11 giờ 45 phút trưa 2-1, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai các biện pháp ứng phó với bão.
Cuộc họp khẩn đang diễn ra. Ảnh: PHÚC NGUYÊN
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, tính đến 11 giờ sáng cùng ngày, toàn tỉnh còn 310 tàu/2.210 ngư dân đang hoạt động trên biển. Theo đăng ký khu vực hoạt động, tàu Bạc Liêu hoạt động trong khu vực có tọa độ 7,5-9,5 độ Vĩ Bắc, 103,5-107,5 độ Kinh Đông - khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 1. Hiện tại, các ngành chức năng đã liên lạc được 100% tàu và thông báo về đường đi của bão số 1 để các tàu chủ động phòng tránh hoặc vào bờ.
Lúc 8 giờ sáng nay, tàu BL 93222TS có 8 thuyền viên, bị chết máy tại tọa độ 7,58 độ Vĩ Bắc, 106,2 độ Kinh Đông (cách Gành Hào khoảng 130 km, ngay khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão số 1). Hiện, các đơn vị đã báo cáo yêu cầu cứu nạn về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Kiểm ngư, hệ thống Đài Thông tin Duyên Hải nhờ cứu nạn.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cũng đã kiến nghị các đơn vị tiếp tục kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ; thoát ra vùng ảnh hưởng của bão (đi lên phía Bắc hướng Bến Tre, Tiền Giang) hoặc tìm nơi trú bão tại Malaysia, Thái Lan (Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi các nước bạn). Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm đầu mối phối hợp các cấp khẩn trương tổ chức cứu nạn tàu BL 93222TS; tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 giờ, triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, đề phòng ngập úng do mưa to…
Hàng trăm tàu đánh bắt thủy, hải sản của Bạc Liêu đã vào bờ tránh trú bão số 1
Cửa biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) trời âm u. Ảnh: PHÚC NGUYÊN
Sáng 1-1, địa phương này đã nghiêm cấm tất cả các phương tiện tàu thuyền ra khơi để hoạt động khai thác, đánh bắt thủy - hải sản, cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 1 thì cho tàu thuyền trở lại hoạt động bình thường.
Một ngư dân đang chằng néo lại tàu thuyền tại cửa biển Nhà Mát. Ảnh: PHÚC NGUYÊN
Các ngành chức năng thường xuyên kiểm đếm chính xác số lượng tàu thuyền và thuyền viên còn đang hoạt động trên biển; thông tin liên lạc về diễn biến của bão số 1 cho các tàu thuyền còn hoạt động ngoài khơi biết để tìm nơi trú, tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng ảnh hưởng của bão; tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai nhanh các biện pháp bảo vệ sản xuất nếu bão số 1 gây mưa lớn trên diện rộng; thông tin, hướng dẫn các tàu thuyền còn hoạt động ngoài khơi về biện pháp phòng tránh bão; hướng dẫn cách neo đậu an toàn đối với tàu thuyền đã cập bến; tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra; tổ chức trực ban 24/24 giờ, báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu.
Mưa xuất hiện ở nội ô TP Cần Thơ từ sáng sớm 2-1. Ảnh: CA LINH
Do ảnh hưởng của bão số 1 nên từ sáng sớm 2-1, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL như Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… xuất hiện mưa to kéo dài kèm theo dông mạnh.
Tại Hậu Giang, để chủ động ứng phó với bão số 1, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh này ban hành công văn khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp ứng phó.
Cụ thể, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh dự báo, cảnh báo tình hình diễn biến để cập nhật kịp thời, chính xác. Từ đó, cung cấp đầy đủ các thông tin diễn biến đến các ngành, các cấp và người dân trong tỉnh biết để chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra phòng chống thiên tai tại các địa phương, địa bàn được phân công để chỉ đạo hỗ trợ giúp địa phương ứng phó.
Đối với các địa phương, cần tổ chức rà soát các phương án phòng chống bão, đảm bảo an toàn theo phương châm "4 tại chỗ". UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các bộ phận chuyên môn theo dõi diễn biến bão, thông tin đến người dân; nhất là vùng thấp, trũng ven sông các điểm có nguy cơ sạt lở để chủ động biện pháp phòng tránh; khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng để chuẩn bị đối phó với những cơn mưa vừa và mưa to trên diện rộng; cần chủ động dùng máy bơm điện hoặc máy dầu để bơm nước tránh thiệt hại lúa vụ đông xuân 2018-2019; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chằng néo nhà cửa, công trình công cộng; tổ chức chặt, tỉa phát quang cây cối xung quanh nhà để đảm bảo an toàn cho người dân…
Bình luận (0)