Thời gian qua, nhiều tỉnh như Ninh Bình, Bình Phước, Bắc Giang, Hà Giang, Hà Tĩnh... đã đề xuất thay đổi công năng sân bay quân sự thành dân dụng hoặc xây mới sân bay khi tham gia ý kiến về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ Giao thông Vận tải xây dựng.
Giữ nguyên quy hoạch
Mới đây, trong tờ trình về việc thẩm định quy hoạch gửi Bộ Giao thông Vận tải và Hội đồng Thẩm định quy hoạch, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất trong thời kỳ 2021-2030 giữ nguyên quy hoạch 28 sân bay của cả nước gồm: 14 sân bay quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc; 14 sân bay nội địa là Lai Châu (chưa xây dựng), Điện Biên, Sa Pa (chưa xây dựng), Nà Sản (tạm dừng khai thác), Đồng Hới, Quảng Trị (chưa xây dựng), Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết (đang triển khai xây dựng), Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo. Còn giai đoạn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng vào quy hoạch, nâng tổng số sân bay của cả nước lên 29.
Trước đó, đại diện Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) - đơn vị thực hiện quy hoạch - cũng đề nghị không bổ sung sân bay mới đến năm 2030. Trên cơ sở nghiên cứu và so sánh, TEDI cho biết giai đoạn đến năm 2030, với hệ thống 28 sân bay đã được Thủ tướng phê duyệt thì gần 96% dân số Việt Nam có thể tiếp cận được sân bay trong phạm vi 100 km, cao hơn so với trung bình thế giới là 75%. Vì lẽ trên, TEDI đề nghị không bổ sung sân bay mới so với hệ thống mạng sân bay đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2018.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Giao thông Vận tải, khẳng định tại dự thảo quy hoạch cũng như thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, số lượng sân bay đã quy hoạch được xem xét kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực trạng cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các sân bay của Việt Nam hiện có lượng khách dưới 2 triệu người/năm đều đang phải bù lỗ. Do đó, các sân bay mới nếu cự ly tiếp cận các cảng hàng không lân cận dưới 100 km, theo kinh nghiệm quốc tế là hiệu quả không cao.
Hiện trong số 22 sân bay đang được khai thác trên cả nước, chỉ 6 sân bay có lãi. Trước đây, chỉ có Nội Bài, Tân Sơn Nhất là có lãi. Sau đó, danh sách này có thêm sự góp mặt của Đà Nẵng. Gần đây nhất, thêm 3 cảng: Cam Ranh, Liên Khương, Phú Bài góp mặt trong danh sách này, trong đó Liên Khương và Phú Bài mới chỉ bắt đầu vượt qua mức cân đối thu chi và có lãi.
Khu vực dự kiến xây dựng sân bay Lý Sơn thuộc xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: TỬ TRỰC
Xây sân bay Lý Sơn: Nhiều vấn đề đặt ra
Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Lý Sơn theo hình thức BOT.
Tại tờ trình, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cho phép cập nhật, bổ sung Cảng Hàng không quốc tế Lý Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự kiến sân bay Lý Sơn là sân bay cấp 4C; có đường cất, hạ cánh dài 2.400 m, đáp ứng khai thác các loại máy bay A320, A321 và tương đương; năng lực khai thác 3-3,5 triệu hành khách/năm. Vị trí nằm tại xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Ngãi xác định xây sân bay Lý Sơn để phát triển du lịch - mũi nhọn phát triển kinh tế, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và còn bảo đảm an ninh - quốc phòng.
PGS-TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và Tư vấn về phát triển, cho rằng du lịch và nghỉ dưỡng sẽ là hoạt động chủ yếu trong đi lại sau 10 năm nữa nên sân bay xây dựng cần trước hết đáp ứng nhu cầu này. Các khu vực có tiềm năng du lịch lớn phải là ưu tiên đầu tiên cho việc xây dựng các sân bay.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa TP HCM, cho rằng tuy tỉnh Quảng Ngãi chưa có sân bay dân dụng nhưng nhìn tổng thể về kinh tế vùng thì đã có sân bay Chu Lai, mặc dù nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam nhưng khoảng cách từ Chu Lai về Quảng Ngãi rất gần, chỉ khoảng 30 km. Trong khi đó, với dân số hiện nay của Lý Sơn, nếu xây sân bay 3-3,5 triệu hành khách/năm như thể hiện trong tờ trình thì mỗi người dân sẽ "cõng" hơn 100 du khách/năm qua đường hàng không, chưa kể đường thủy.
Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, để xây một sân bay cần đánh giá về mặt nhu cầu: Khu vực dân cư nào sẽ sử dụng sân bay đó? Quy mô dân số như thế nào? Thu nhập bình quân bao nhiêu? Mức sống như thế nào?... Từ đó mới quy hoạch sân bay cho tương lai. Ngoài ra, cần nhìn tổng thể để thấy được sự gia tăng của nhu cầu đối với các sân bay hiện hữu.
Cần xây dựng mạng lưới sân bay nhỏ
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng ở đảo Lý Sơn cũng như một số địa phương nên nghiên cứu phát triển mạng lưới sân bay nhỏ với đường băng ngắn, dành cho những máy bay nhỏ dưới 20 chỗ ngồi phục vụ cho cứu thương, an ninh - quốc phòng, du lịch, máy bay doanh nhân, bay nông - lâm nghiệp, địa chất, bay tìm kiếm cứu nạn, bay huấn luyện, thể thao... Cần tận dụng vùng trời dưới 3.000 m, khai thác tầm bay thấp giữa các địa phương. Những sân bay nhỏ này có thể tận dụng sân bay quân sự cũ, đầu tư không nhiều vì yêu cầu về đường băng và cơ sở hạ tầng không quá cao, kêu gọi tư nhân đầu tư...
TS Bùi Văn Võ, Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, cũng đề nghị quy hoạch cần bổ sung hệ thống sân bay chuyên dùng là các sân bay nhỏ phục vụ kinh tế và quốc phòng. Trong tương lai gần, nhu cầu phát triển loại hình này sẽ rất lớn.
Bình luận (0)