xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bậc thang giá điện chưa ổn

Phương Nhung

Với cách tính giá điện lũy tiến theo 6 bậc thang, tất nhiên hóa đơn tiền điện sẽ tăng vọt do hiệu ứng tăng giá điện bình quân 8,36% từ ngày 20-3 kết hợp với nắng nóng cao điểm. Vậy biểu giá điện phân chia theo các đối tượng sử dụng đã thực sự hợp lý?

Chị Việt Trinh (quận Thủ Đức, TP HCM) bất ngờ khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4-2019 với số tiền phải trả là hơn 1 triệu đồng cho 421 KWh điện. Theo chị, tiền điện tháng này tăng gấp đôi so với tháng trước, dù gia đình chị không tăng thêm thiết bị điện nào. Tuy nhiên, theo tính toán, nếu sử dụng 421 KWh điện theo giá cũ, tức chưa tăng giá thêm 8,36%, thì hộ tiêu dùng phải nộp tới 985.000 đồng (đã tính thuế). Với mức sử dụng như trên, giá mới chỉ cao hơn giá cũ khoảng hơn 80.000 đồng.

Cần điều chỉnh bậc thang giá

Thực tế không có sự nhầm lẫn trong áp dụng và tính toán giá điện mới vào biểu giá 6 bậc thang áp dụng lâu nay. Vấn đề nằm ở chỗ phân chia giá về các bậc thang đã thể hiện sự phân hóa rất lớn giữa các nhóm sử dụng, dẫn đến khi nhu cầu sử dụng tăng do nắng nóng thì có những đối tượng phải chi trả giá điện gấp 2-3 lần so với trước mà không dừng ở con số cơ học tăng 8,36%.

Cần nhấn mạnh việc xây dựng biểu giá lũy tiến theo hướng càng sử dụng nhiều càng phải chi trả giá điện cao là hợp lý, được nhiều quốc gia áp dụng bởi điện là hàng hóa đặc biệt, thời điểm sản xuất ra sản phẩm trùng với thời điểm tiêu thụ và không thể dự trữ. Song, biểu giá điện của Việt Nam đã hợp lý chưa là vấn đề cần nhìn nhận lại.

GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, đánh giá chính sách giá điện bậc thang là cực kỳ cần thiết trong điều kiện buộc phải tiết kiệm năng lượng. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia là thiết kế bậc thang với bước tăng cách đều khoảng 100 KWh và mức nhảy giá bằng nhau. Một số quốc gia cũng chia khoảng cách bậc thang đều nhau nhưng bậc thang càng cao thì bước nhảy giá càng lớn để thúc đẩy tiết kiệm điện. "Riêng Việt Nam, biểu giá không được thiết kế theo 2 quy luật như trên. Ngoại trừ 2 bậc thang đầu được cho là nhằm hỗ trợ người sử dụng điện thấp với bước chênh lệch giá chỉ 47 đồng/KWh, các bậc 3, 4, 5 chịu mức chênh lệch khá lớn. Đặc biệt, giá điện ở bậc 4 cao hơn bậc 3 tới hơn 500 đồng/KWh trong khi bậc 6 là bậc cao nhất lại có mức chênh lệch khá nhẹ so với bậc liền kề bên dưới. Điều này chưa hợp lý, không đi theo thông lệ chung" - ông Long phân tích.

Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 25,8 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Trong đó, khách hàng sử dụng điện dưới 100 KWh (rơi vào nhóm 1 và 2) chiếm 35,8%; khách hàng sử dụng từ 100-300 KWh (nhóm 3 và 4) chiếm cao nhất với hơn 40%; nhóm sử dụng trên 400 KWh chỉ khoảng 8%. Như vậy, nhóm khách hàng đông nhất và sử dụng điện ở mức độ trung bình (khoảng 300 KWh) lại chính là nhóm chịu bước nhảy giá lớn nhất trong bậc thang giá điện hiện hành.

"Nên xem xét lại biểu giá theo hướng giữ nguyên các bậc thang nhưng điều chỉnh giá lũy tiến hợp lý hơn để bảo đảm công bằng giữa các bậc. Trong đó, khu vực sử dụng điện ở mức trung bình và phổ biến thì giá điện phải gần bằng với giá bình quân, còn dùng cao hơn phải áp giá mạnh. Điều này bảo đảm cho một hộ gia đình ở thành phố với mức sử dụng thông dụng tối thiểu sẽ được hưởng giá điện hợp lý, chỉ phần sử dụng cao vọt mới bị tính giá cao" - ông Trần Đình Long góp ý.

Bậc thang giá điện chưa ổn - Ảnh 1.

Giá điện sinh hoạt tăng cao vì còn phải bù cho giá điện sản xuất. Ảnh: TẤN THẠNH

Đánh mạnh vào ngành sản xuất tiêu hao điện

Giá điện sinh hoạt hiện đang phải gánh bù chéo cho điện sản xuất nhằm tạo nguồn lực khuyến khích sản xuất phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là thông lệ của không ít quốc gia, như Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu. Theo phân tích của các chuyên gia, sản xuất công nghiệp là lĩnh vực then chốt của mọi nền kinh tế nên việc tiết giảm chi phí thông qua giá điện thấp sẽ làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Việt Nam cũng không ngoại lệ bởi khi công nghiệp phát triển, tăng trưởng kinh tế tốt thì lợi ích sẽ chia đều cho người dân.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri trong buổi họp báo về giá điện hôm 20-3 cũng lên tiếng giải thích: "Chính sách giá hiện nay mang cả tính xã hội, kỹ thuật và kinh tế. Về kỹ thuật, đơn vị sản xuất dùng điện nhiều, tổn thất thấp; còn điện sinh hoạt ở cấp 220 KV, tổn thất biến áp lớn, chi phí đường dây nhiều hơn, dẫn đến giá cao hơn".

GS Trần Đình Long chỉ rõ việc ấn định giá điện sản xuất ở nhiều cấp điện áp có phần thấp hơn điện sinh hoạt có nguyên nhân từ quản lý vĩ mô của nhà nước. "Tuy nhiên, bù giữa sinh hoạt và sản xuất ở mức bao nhiêu là hợp lý trong bối cảnh phát triển, thu nhập bình quân đầu người như hiện nay thì cần cân nhắc" - GS Trần Đình Long lưu ý.

Theo ông Long, chính sách giá điện cần thiết kế theo hướng khuyến khích đổi mới công nghệ sản xuất. Ngành, doanh nghiệp (DN) nào sử dụng máy móc tiết kiệm điện thì nhận được ưu đãi; ngành nào tiêu hao điện lớn thì bị áp giá thật cao hoặc đề nghị thay đổi công nghệ. Từ đó, tiến tới nghiên cứu quy định mức năng lượng cần thiết cho một đơn vị sản phẩm, nếu không đáp ứng được thì bị hạn chế phát triển.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh lo ngại chính sách trợ giá cho sản xuất dù có lợi cho nền kinh tế nhưng dễ gây ra tranh cãi lớn giữa khu vực sản xuất và khu vực sinh hoạt, nhất là trong giai đoạn cao điểm sử dụng điện sinh hoạt như hiện nay. "Cần ưu tiên sản xuất, nhất là trong bối cảnh dồn lực phát triển kinh tế tư nhân mà nòng cốt là các DN sản xuất bởi khu vực này là động lực của nền kinh tế, đem lại tăng trưởng bền vững. Song, người sử dụng điện sinh hoạt cũng mong muốn được tiếp cận giá điện một cách công bằng, hợp lý. Một khi giá điện vẫn trong diện quản lý và EVN vẫn giữ nhiệm vụ chính trị bảo đảm điện cho quốc gia thì cần điều chỉnh tăng giá ở khối dịch vụ, giảm ưu đãi dàn trải ở khối sản xuất mà cần chọn lọc, nhằm giảm áp lực gánh giá điện bù chéo cho khu vực sinh hoạt. Còn khi thực sự có thị trường thì câu chuyện giá điện sẽ được nhìn theo hướng khác" - TS Lê Đăng Doanh góp ý.

Thu thêm hơn 20.000 tỉ đồng

Theo tính toán của EVN, việc điều chỉnh tăng thêm 8,36% giá điện sẽ giúp EVN dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỉ đồng trong năm 2019. Toàn bộ số tiền này sẽ được EVN chi trả cho chênh lệch giá khí trong bao tiêu gần 6.000 tỉ đồng, chi trả cho PVGas, chênh lệnh tỉ giá ngoài EVN là hơn 3.000 tỉ đồng, thanh toán cho nhà đầu tư về quyền khai thác tài nguyên nước và các khoản thanh toán bổ sung khác.

Các chuyên gia cho rằng khó có thể tiếp tục treo các khoản lỗ của EVN lại bởi đây đều là các khoản lỗ về chi phí, không phải lỗ kinh doanh ngoài ngành. Tuy nhiên, từ đây đặt ra yêu cầu cấp bách cần minh bạch chi phí, giá thành, cơ cấu nguồn phát... của ngành điện để thuyết phục người dân về sự hợp lý, tránh cho người dân phải gánh hậu quả do kinh doanh không hiệu quả của các ngành độc quyền.

. GS-TS ĐẶNG ĐÌNH ĐÀO, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:

Nên áp giá cao ở khu vực kinh doanh, dịch vụ

Đúng là giá điện buộc phải tăng để tính đủ, tính đúng các chi phí còn treo lại trong một số năm qua. Mức tăng 8,36% tuy gây sốc tại thời điểm tăng song ngẫm lại thì không quá vô lý, vì giá điện đã bị kìm lại hơn một năm qua. Nhưng sau khi tăng giá bình quân, cần phải phân chia giá bán lẻ hợp lý đối với các đối tượng. Trong đó, ngoài sản xuất cần ưu tiên thì điện sinh hoạt của người dân nên áp giá thấp hơn đáng kể so với các đối tượng kinh doanh, dịch vụ khác. Hiện nay, đời sống của người dân đã tăng so với trước đây, mức sử dụng dưới 400 KWh là khá phổ biến tại nhiều đô thị. Đây chỉ là mức đáp ứng nhu cầu cơ bản, không nên áp giá cao đối với khu vực này. Chính sách giá đối với mặt hàng liên quan đến an ninh và chính trị phải được thực hiện theo hướng bảo đảm cơ bản đời sống người dân chứ không phải tăng áp lực cho tiêu dùng như hiện nay.

. PGS-TS BÙI XUÂN HỒI, Bộ môn Kinh tế công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội:

Biểu giá điện là thông điệp tiết kiệm năng lượng

Với 6 bậc thang, khi tiêu dùng điện tăng cao thì tiền điện sẽ tăng theo đúng cấp số lũy tiến và sự gia tăng của hóa đơn phải trả phần lớn nằm ở việc tiêu dùng tăng. Với logic dùng càng nhiều giá càng cao, khi nắng nóng tiêu dùng điện tăng đột biến, hóa đơn tiền điện cao sẽ như một thông điệp cho người tiêu dùng rằng cần sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng.

EVN bán điện theo giá nhà nước quy định nên khó có thể nói rằng với giá điện 6 bậc thang thì người hưởng lợi là ngành điện. Việc chia biểu giá bậc thang thành 3, 5 hay 6 bậc thang cần đứng trên quan điểm về sự biến động của chi phí biên trong cung ứng điện. Cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện cần nghiên cứu cơ cấu 6 bậc thang có hoàn toàn phù hợp với cơ cấu chi phí cung ứng đối với phụ tải sinh hoạt hay cần điều chỉnh.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo