Từ nhiều năm nay, người dân quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng nhiều lần kiến nghị lên các cấp thẩm quyền mở đường xuống các bãi biển nhưng không được giải quyết. Trong lúc các cấp thẩm quyền lúng túng thì chủ đầu tư không chịu nhường đất sau khi được… chia phần.
Rào lại rồi chiếm luôn
Trong ký ức của người dân phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) vẫn nhớ như in những ngày khi bờ biển Bắc Mỹ An chưa có bóng dáng của các khu resort. "Biển sạch lắm, người dân trong phường muốn đi tắm đoạn nào cũng được, chỉ cần vài bước chân là ra đến biển. Lúc đó, biển mới thật sự là của người dân" - ông Nguyễn Văn Hưng (ngụ phường Mỹ An) nói.
Thế nhưng từ năm 2008, các khu nghỉ dưỡng sang trọng, resort ở quận này dần phủ kín. Người dân không còn tự do tham quan, tắm biển, các lối xuống biển lọt vào resort, khu du lịch.
Đáng nói nhất phải kể đến con đường Hồ Xuân Hương của phường Mỹ An. Đường này có từ trước giải phóng, đến năm 2003, chủ trương mở đường của TP Đà Nẵng theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm đã mở đường Hồ Xuân Hương rộng và đẹp hơn, từ khu vực dân cư ra tận bãi biển. Lúc này, nhà dân có đất ở đường Hồ Xuân Hương đã không ngần ngại hiến đất cho nhà nước để mở đường với hy vọng đường lớn, khu dân cư sẽ khang trang hơn nhờ hướng ra biển.
Đường Hồ Xuân Hương, quận Ngũ Hành Sơn bị cắt ngang lối xuống biển, nhường chỗ cho khu nghỉ dưỡng Premier Village
Đến năm 2008, một phần bờ biển Bắc Mỹ An bị cắt để bán cho chủ đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, resort và khách sạn cao cấp. Bà Lê Thị Thanh Tâm (ngụ đường Hồ Xuân Hương) phản ánh lúc dự án mở ra, họ cho công nhân rào đường lại. Khi dân hỏi, họ nói rào để giữ nguyên vật liệu thi công, đến khi xây xong sẽ mở lại. "Lúc đó, chúng tôi tưởng thật nên vui vẻ chấp thuận. Đến khi xây xong dự án thì họ bắt đầu xây cổng vào resort, đường của dân nghiễm nhiên thành đường vào resort mà chỉ khách VIP mới vào bên trong. Thế là dân mất đường, đòi hoài không được" - bà Tâm bất bình.
Bây giờ, đường Hồ Xuân Hương chỉ còn kéo dài đến đường Võ Nguyên Giáp, cắt ngang xuống đến biển là chỗ của khu resort Premier Village. "Chủ trương của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh lúc đó là phải chừa lối đi cho dân nhưng không hiểu sao đến thời ông Văn Hữu Chiến làm Chủ tịch TP thì lại cho chủ dự án nhảy vào, ngang nhiên chiếm biển của dân" - bà Tâm nêu.
Theo bà Tâm, nhiều năm nay, người dân phường Mỹ An đã kiến nghị trong các buổi họp dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại với lãnh đạo nhưng không có kết quả.
Cát cứ hết bãi biển
Theo quy định, từ mực nước biển vào 50 m là khu vực của cộng đồng. Thế nhưng, khi các khu nghỉ dưỡng được cấp phép, họ ngang nhiên cát cứ toàn bộ bãi biển, chiếm luôn mặt nước.
Ghi nhận tại các bãi biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn, hơn 12 km trải dài thuộc các khu resort hầu như không một bóng người dân nào lai vãng đến đây mà chủ yếu là khách của resort. Tại khu vực bãi biển gần khu resort Premier Village, một phần bãi cát rộng hơn 30 m tính từ cổng resort trở ra đã bị chủ dự án cho trồng dừa phủ kín. Nhân viên bảo vệ resort túc trực tại đây từ sáng đến tối, không cho khách bên ngoài, người dân lai vãng đến.
Ông Trần Xuân Định (ngụ quận Ngũ Hành Sơn) than thở: "Bờ biển dài như thế nhưng resort chiếm hết. Muốn đi xuống biển hay ra khu vực biển ngoài xa rất khó khăn. Mấy ông đi câu cá hay xúc ốc phải lần từ hẻm nhỏ bên cạnh resort Premier Village. Còn khi ở dưới biển, bước chân lên bãi cát là đụng ngay hàng dừa, luôn bị bảo vệ ra nhắc nhở, rất mất tự do". Theo ông Định, khi chính quyền cấp phép cho dự án, lẽ ra phải quy hoạch chừa lối đi xuống biển xen kẽ các dự án nhưng chủ đầu tư lại chiếm hết, để resort này nối đuôi resort kia.
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho rằng việc mở các lối xuống biển là chủ trương nhất quán của TP nhằm bảo đảm thuận lợi quyền tiếp cận không gian biển của người dân và du khách. Trước phản ánh, kiến nghị của người dân về tình trạng cát cứ bãi biển, ông Hùng nói TP cũng đã quy hoạch, tính toán lại. Theo đó, từ đoạn bãi tắm Sao Biển đến giáp tỉnh Quảng Nam dài hơn 10 km, ngoài 4 bãi tắm công cộng đã được quy hoạch thì TP cũng phê duyệt 5 lối xuống biển. Lối thứ nhất giữa Furama resort và Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana từ 35 - 47 m. Ngoài ra, cũng có thêm 4 lối đi xuống biển nhỏ khác.
"Ở những lối xuống biển nêu trên, TP đã giao các chủ đầu tư nên cần có thời gian để các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục thu hồi đất theo đúng quy định. Các khu vực bãi cát của các dự án 50 m giáp bãi biển thì hiện TP quy định chỉ sử dụng vào mục đích công cộng mà không cho xây dựng các công trình tại khu vực này" - ông Hùng khẳng định. Ông Hùng thông tin thêm riêng lối đi xuống biển giữa dự án Furama và Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang trình UBND TP Đà Nẵng bố trí vốn 5 tỉ đồng, dự kiến thực hiện trong năm nay.
Chính quyền bán đất cho nhà đầu tư
Mới đây, trả lời trước cử tri TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thừa nhận việc triển khai thực hiện quy hoạch mở các lối xuống biển cho người dân đang gặp khó khăn. Lý do ông Thơ nêu ra là chính quyền đã bán đất cho nhà đầu tư, giờ muốn mở lối đi thì phải thương lượng, xin lại.
Trong nhiều năm gần đây, lãnh đạo TP Đà Nẵng phải thương lượng với các chủ đầu tư nhưng phần lớn doanh nghiệp không đồng ý vì không muốn khuôn viên khách sạn bị chia cắt.
Kỳ tới: "Xâm thực" bờ biển Cửa Đại
Bình luận (0)