Lên bậc THPT, tôi học Trường Trần Cao Vân ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Chủ nhiệm lớp tôi là cô Hương, giáo viên văn. Dáng cô cao, thon thả. Cô có mái tóc dài, đen mượt. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in đôi mắt cô - to, tròn, đen láy. Ánh mắt cô toát lên vẻ điềm tĩnh, tự tin, một chút tinh nghịch và luôn hướng thẳng vào người nghe. Học sinh nhìn thấy cả sự nghiêm khắc, sức mạnh, lòng bao dung và… phảng phất nỗi buồn trong đôi mắt ấy. Các anh chị lớp trên chúng tôi xem cô là thần tượng, chiếm vị trí độc tôn ở bộ môn văn học trong trường. Không những thế, họ còn phong cô danh hiệu á hậu 2 (xét trong số giáo viên nữ của trường).
Háo hức những giờ văn
Lời đồn không ngoa, tiết văn học đầu tiên lớp chúng tôi như bị hớp hồn. Giọng cô trầm ấm. Lối dẫn truyện của cô lắt léo mà lôi cuốn. Dăm phút làm quen là vậy, đến bài giảng thì thật sự phải nói là cuốn hút, chuyên nghiệp đến từng milimet. Cô cho chúng tôi ghi chép gọn, theo ý từng bạn. Cô luôn chăm chú nghe chúng tôi phát biểu bày tỏ quan điểm riêng, cùng thảo luận với chúng tôi một cách khéo léo cởi mở như những thành viên của lớp. Thế là từ một môn buộc phải học, chúng tôi đã có được sự háo hức chờ đón từng tiết học, ham muốn tìm hiểu cái đẹp của văn chương.
Cô thường nói: Điều quan trọng không phải các em nhớ lời cô giảng, bình, hướng dẫn để từ đó có cảm nhận riêng của các em gửi vào bài viết. Đó là cái cô muốn nhất ở mỗi em. Máy móc không phải là xấu nhưng sáng tạo mới quý hiếm.
Nếu cô không theo nghề dạy học, tôi nghĩ cô có thể là một cây bút chuyên nghiệp. Tốt nghiệp Đại học Văn khoa, cô làm phóng viên tự do được một thời gian thì miền Nam giải phóng. Gián đoạn nghề báo gần 1 năm, theo ba má về Quảng Nam, cô chuyển sang nghề giáo (sau giải phóng hầu như trường nào cũng thiếu giáo viên).
Cô chuyên tâm với công việc giảng dạy và quên bẵng việc sáng tác văn thơ, viết báo. Thi thoảng cô mới tham gia làm báo… tường. Văn cô kiệm chữ, sâu sắc, tải được nhiều ý tưởng, thông điệp và cảm xúc đến người đọc, nhưng tôi chỉ tiếc là cô không tham gia văn đàn. Thơ văn, với cô, chỉ như sự giải tỏa, như cơ hội để được đối diện với chính mình. Một lần tôi hỏi có phải cô quan niệm nghệ thuật chỉ vì nghệ thuật, cô cười. Chắc cô cho rằng đối với một học sinh thì vấn đề như vậy là quá sức, quá tầm.
Ngay từ bài viết số một tôi đã được chú ý. Cô trích đọc bài của tôi trước lớp. Lần đầu tiên trong đời tôi có vinh hạnh đó (vì những năm cấp II tôi viết văn ở mức tàm tạm, không dưới trung bình nhưng chưa từng được điểm 8). Lúc nhận bài tôi mới giật mình, buồn vui lẫn lộn. Bài của tôi, không phải cao điểm nhất, cô chấm 7,5 điểm với lời phê: Phần bình luận khá độc đáo nhưng tỏ ra phóng túng, dễ dãi trong cách viết. Cần chú ý cô đọng, chặt chẽ hơn!
Cuối học kỳ I, tôi lại gây ấn tượng… không tốt đối với cô. Lần này tôi được cô chú ý để chỉnh sửa. Trong giờ luyện tập về bình thơ, tôi đã mắc lỗi khi đọc bài "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi.
Tôi đọc:
Người ra đi / đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm / nắng/ lá/ rơi đầy
Cô chỉnh lại:
Sau lưng / thềm nắng / lá rơi đầy
Tôi cứ khăng khăng: "Thưa cô, hình ảnh cả nắng và lá rơi đầy, theo em, thế mới đẹp ạ!".
Cô cho cả lớp thảo luận rồi lấy ý kiến của từng bạn. Dĩ nhiên, đại đa số không đồng ý với cách đọc - hiểu của tôi.
Tôi đã phụ lòng cô
Tuy nhiên thật bất ngờ, sau đó, tôi được gọi vào đội tuyển học sinh giỏi văn của trường. Hơn 1 tháng sau đó, chúng tôi được cô chỉ dạy nhiều điều. Đó là khoảng thời gian học miệt mài vất vả nhưng rất vui, với nhiều kỷ niệm khó quên thời hoa niên.
Rồi cũng đến lúc viết bài chọn lại những ứng viên sáng giá nhất để tham dự kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh. Tính chất của lần tuyển chọn này gây áp lực lớn cho chúng tôi. Đề bài khá thoáng: Em hãy phân tích một bài thơ của nhà thơ Xuân Diệu (cô Hương là người bồi dưỡng còn đề bài và thành phần ban giám khảo do tổ văn nhà trường lựa). Tôi chọn bài thơ "Ngói mới" rồi cặm cụi viết. May mắn là vừa kịp giờ. Tôi nộp bài, thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy khá tin tưởng vào bài luận của mình.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Tuần sau đó, cô bảo tôi đến nhà cô có việc. Cô hỏi: "Hình như trong bài thơ "Ngói mới" em cho rằng có một số đoạn dở, phải vậy không?". Tôi đáp: "Em chỉ viết ở phần kết bài rằng "Đây không phải là bài thơ xuất sắc của nhà thơ Xuân Diệu. Có lẽ ông tài hoa ở mảng thơ tình hơn. Ở bài thơ này ông chọn đề tài không hay và sử dụng nghệ thuật điệp từ "ngói mới" kém hiệu quả"".
Cô bảo: "Cô lấy làm tiếc vì em đã viết như vậy. Em không có tên tham dự kỳ thi lần này". Tôi chống chế: "Thế theo cô đây là bài thơ hay cả về nội dung lẫn nghệ thuật? Em chỉ viết đúng những gì em nhìn nhận được sau khi phân tích kỹ tác phẩm đó. Nhiều bạn cũng đồng ý với em mà".
Cô bảo: "Em phải xét đến hoàn cảnh sáng tác bài thơ, tác giả, thời đại … Cô nói thực lòng cũng không thích bài thơ này nhưng bảo là dở thì…" Cô đã bỏ lửng câu nói ở đây.
Tôi ra về. Có cái gì vỡ ra trong tôi và cả cảm giác xót xa, hụt hẫng, ê chề… Tôi giận bản thân vì đã được cô giảng kỹ bài này và vì tôi phụ lòng mong đợi của cô. Chán nản, tôi tự nhủ: nếu được đi thi chắc mình cũng rớt thôi và cảm thấy nhẹ nhõm phần nào.
Buổi sáng hôm ấy trời dịu lắm. Tôi vào công viên, nằm xuống bãi cỏ xanh. Những cơn gió cuối xuân làm lá vàng rơi. Chưa bao giờ tôi thấy lá rơi nhiều đến vậy, đến ngập cả hồn tôi. Tôi nằm ngửa, mắt nhắm nghiền, cố đếm có bao nhiêu chiếc lá rụng lên người mình. Cảm giác khổ đau, thất vọng dần vơi.
Năm cuối cấp, cô khuyên tôi thi khối C. Cô hứa sẽ giúp tôi ôn luyện thi đại học. Lần lữa mãi, cuối cùng tôi nhờ cô kèm môn văn. Khi thi tôi lại chọn thi vào trường cao đẳng sư phạm khối D. Lúc tôi học năm nhất thì nghe tin cô theo gia đình định cư ở Pháp.
Trở lại với văn chương
Đã 20 năm trôi qua, giờ tôi đang dạy tiếng Anh ở một trường THCS nhưng nỗi đam mê văn chương vẫn cháy bỏng trong tôi như ngày nào. Mùa hạ năm 2006, tôi trình làng tác phẩm đầu tay "Thơ tuổi 40" đăng trên tạp chí Thế Giới Mới.
Khỏi phải nói, tôi sướng phát điên. Suốt mấy tuần người cứ lâng lâng. Tôi liên tục gọi điện khoe với bạn bè thân hữu, vì thế nhuận bút trở nên quá khiêm tốn so với cước phí điện thoại. "Thiên hạ lo làm ăn còn anh lại làm… thơ" - vợ tôi phán.
Thú thật, lúc này tôi mới nhớ đến cô giáo tôi, người nhen nhóm trong tôi ngọn lửa văn chương, truyền cho tôi khát vọng sống, lòng yêu nghề mến trẻ… Hỏi thăm lớp trưởng, có địa chỉ của cô, tôi gửi liền lá thư kèm cuốn tạp chí. Vừa ngóng tin cô, vừa tiếp tục viết lách, tới cuối năm tôi đã có thơ, truyện ngắn in trên nhiều báo, tạp chí… nhưng thư của cô thì vẫn chưa nhận được.
Tới tháng 4-2007, lúc tôi nghĩ bưu phẩm gửi cho cô bị thất lạc, thì bất ngờ tôi có thư từ Pháp. Trong bì thư là một tờ giấy in màu, khổ A4, chèn hình rất đẹp. Đó là bản dịch tiếng Anh bài thơ của tôi, cuối trang là dòng chữ nguệch ngoạc: Đừng để những mưu cầu, toan tính, hằn học làm ảnh hưởng đến văn phong. Cô tự hào vì em. Cố lên. Cuối cùng là một dãy số, không phải ngày tháng mà giống số điện thoại. Tôi vội nhấc điện thoại treo tường, bấm số. Trời, có tín hiệu. Đầu dây là giọng một người con gái nói tiếng Pháp. Vài giây bỡ ngỡ, tôi đề nghị sử dụng tiếng Anh. May là vốn liếng tiếng Anh của tôi cũng khá nên cuộc hội thoại không trục trặc lắm.
"Em là con má Hương, tên Lan. Má em lập gia đình bên này, ở nhà lo việc nội trợ. Ba em người Pháp, là kỹ sư chế tạo máy. Em không rành tiếng Việt" - cô gái nói. Tôi hỏi thăm cô Hương. Em nói em lấy làm tiếc không gửi thư cho tôi sớm được vì lo việc tang gia. Lan bảo cô lâm trọng bệnh mấy năm nay. Lúc nhận được thư tôi, cô mừng lắm. Bài thơ do cô dịch, đọc cho em đánh máy. Dòng chữ cuối trang thư là cô viết trước khi mất một tuần.
Tôi đứng chôn chân, không cầm nổi điện thoại nữa, hoàn toàn câm lặng, cổ họng đắng ngắt. Đầu óc, tâm hồn tôi trống rỗng. Tôi thấy mình đơn độc trong cõi người mong manh và quá rộng lớn này...
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)