Có câu dân gian này mà không ai phản đối: "Ăn cháo trả tiền" cho người bán cháo! Như vậy, tại sao khi đọc báo lại không trả thù lao cho người làm tin? Ở thời đại mà thông tin là chiến lược, đây là câu hỏi nhức nhối cho các cơ quan báo chí và cho cả người đọc, những người "tiêu thụ" thông tin hẳn quen đọc miễn phí trên trang công cụ tìm kiếm, trên mạng xã hội. Một hiện trạng "con rắn cắn cái đuôi" của chính nó mà đại đa số các nhà làm kinh tế báo chí trên thế giới đã và đang tìm cách giải mã không mấy thành công từ 10 năm nay. Nhưng thành công cũng có và lại là thành công lớn.
Những cái nhìn thèm thuồng về Mediapart.fr
Cách TP HCM gần 12.000 km, câu dân gian ở trên đã được thực thi từ… 13 năm qua. Một sáng cuối tuần cuối tháng 5-2021, ở một tòa nhà khiêm tốn trong một con hẻm nhỏ của khu bình dân quận 12, Paris, buổi họp tòa soạn 90% trực tuyến - bắt buộc do tình hình Covid-19 - của báo điện tử Mediapart, có gì đó rất khác thường. Khác thường ở chỗ buổi họp tòa soạn luôn luôn "mở": Tất cả nhân viên đều tham gia, từ tổng giám đốc cho tới tổng biên tập, nhà báo, phóng viên, kỹ thuật mạng, ban tiếp thị, nhân viên kế toán tài chính và cả lễ tân. Họ dự và phát biểu ý kiến, ngang hàng nhau.
Ở đây không có bí mật, ngoại trừ vài chủ đề báo chí đang trong quá trình điều tra chưa ngã ngũ và đó là chính sách minh bạch của báo. Điều này nhằm tạo được tư duy đồng hành: tờ báo này là của mọi người và là của độc giả, những người trả lương cho chúng ta.
Nhiều báo của Pháp vừa bán được báo in vừa thu phí nội dung hiệu quả. Ảnh: THE ECONOMIST
Bà Marie-Helene Smiejan, Tổng giám đốc và đồng sáng lập, chia sẻ với cử tọa báo cáo tổng kết năm 2020: "Hôm nay, chúng ta vừa đạt được 220.000 độc giả đăng ký. Tỉ lệ tăng gần 30% trong năm 2020. Doanh thu tăng 22%, đạt hơn 20,5 triệu euro. Lợi nhuận trước thuế được 6 triệu euro, tăng 46% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận có thể chia cho cổ đông là 4 triệu euro".
Những con số này là thành quả không tưởng cho hầu hết các công ty báo chí ở Pháp và cả các nước khác. Đặc biệt là khi so sánh với các báo khổng lồ - vừa in vừa điện tử, có thương hiệu từ hơn 60-80 năm như Le Monde, Le Figaro và báo thể thao L’Equipe. Tất cả đều có cổ đông lớn là những tập đoàn kinh tế toàn cầu.
Khi Mediapart có tất cả 118 nhân viên, trong đó có 69 nhà báo có hợp đồng vô thời hạn, cộng thêm 175 cộng tác viên hưởng lương theo bài thì các báo ở trên có hơn 1.500 nhân viên hợp đồng.
Tờ Le Monde có được hơn 300.000 thuê bao thuần điện tử (450.000, nếu tính gộp thuê bao báo in được vào phiên bản điện tử), L’Equipe 258.000, Le Figaro 151.000. Điều cần ghi chú là các báo in đại gia này đã bán từ 500.000 tới 1,2 triệu tờ/ngày trong những năm 80 của thế kỷ XX.
Không có gì là miễn phí
Báo Mediapart.fr có vốn điều lệ khiêm tốn, chỉ gần 25.000 euro. Chính xác là 24.864,88 €. Cổ đông là các nhà đồng sáng lập và nhân viên. Năm 2008, khi tất cả các báo mạng đều miễn phí, báo điện tử lựa chọn mô hình… không có gì miễn phí! Mediapart có nguồn thu duy nhất từ thuê bao với giá 5 €/tháng cho sinh viên, người thất nghiệp, về hưu; 9 €/tháng cho các diện phổ thông; 15 €/tháng cho thuê bao ủng hộ. Thuê bao giá cao này được thêm một số quyền lợi như được mời dự các buổi nói chuyện với các chuyên gia, tác giả văn học... do báo tổ chức.
Ông Edwy Plenel, Tổng biên tập và đồng sáng lập, là cựu tổng giám đốc tòa soạn Le Monde, nhấn mạnh: "Tại sao độc giả đồng ý trả tiền để đọc báo của chúng tôi? Bởi vì họ tin tưởng vào sự độc lập của tòa soạn, sự trung thực của sản phẩm báo chí của chúng tôi. Không ai có thể mua chúng tôi được. Người duy nhất "mua" được chúng tôi là người trả tiền cho báo. Ngoài kỹ năng, chất lượng của sản phẩm, điều cốt lõi và vô giá là niềm tin!".
Ngoài giá trị - kinh tế - của niềm tin và sự độc lập, trang báo đặt cho mình sự lựa chọn về sản xuất nội dung. Ông Edwy Plenel khẳng định: "Chúng tôi không chạy theo đám đông. Có độc giả nào trả tiền khi họ có thể đọc miễn phí thông tin đó trên mạng xã hội hoặc các trang thông tin tổng hợp? Chúng tôi sản xuất ít, không chạy theo thời sự nhưng chất lượng, với những chủ đề mà bạn không thể đọc ở nơi khác. Đào sâu bất kể bao nhiêu lâu, điều tra nghiêm túc, góc nhìn đa dạng - khác biệt, khách quan, cân bằng. Và chúng tôi tận dụng tất cả những gì công cụ số có thể đem lại giá trị gia tăng cho chủ đề và độc giả: đa truyền thông!".
Tăng trưởng ấn tượng
Nếu đại dịch toàn cầu Covid-19 đã và đang làm kinh tế khốn đốn, trong đó có mảng báo chí, thì cũng chính dịch này đã đem lại trên 90.000 người đăng ký mới cho Mediapart. Sự tăng trưởng này là do nhu cầu về thông tin độc lập và chặt chẽ của người đọc, để hiểu được những điều không lường trước và bất ngờ mà chúng ta phải đối mặt mà không bị ảnh hưởng bởi những tin giả, những tuyên truyền có mục đích.
Bình luận (0)