Đọng lại ngay sau đó là dư âm buồn.
Nhiều người nói đấy là "chiến thắng" của người dân. Có bên thắng tức là có bên bại, đồng nghĩa hai bên có mối quan hệ đối kháng. Nghĩ như thế thì chẳng đúng, lại chỉ thêm đắng chát.
Thực ra, trong câu chuyện BOT Cai Lậy, đằng sau mâu thuẫn về lợi ích vật chất giữa nhà đầu tư và người dân (sử dụng dịch vụ giao thông) là sự phản kháng đòi lại lẽ công bằng. Cụ thể là họ muốn chỉ trả tiền cho phần đường họ có sử dụng thật sự trên thực tế. Do đó, tâm trạng mà người dân và cánh tài xế thể hiện vào tối 4-12 chính là sự hài lòng vì đã (tạm thời) giành lại được lẽ công bằng chứ không phải thắng thua.
Đáng lẽ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cơ quan thuộc Chính phủ chuyên trách về giao thông - đã phải sớm có cách xử lý vụ BOT Cai Lậy thay vì để kéo dài gần 120 ngày, kể từ 1-8-2017 (thời điểm bắt đầu thu phí). Ba lần bảy lượt, lãnh đạo bộ khăng khăng đã làm đúng quy định, đúng quy trình, đúng quy hoạch. Tỉnh Tiền Giang cũng bảo mình đúng. Chủ đầu tư cũng khẳng định mình đúng và trưng ra đủ các loại hồ sơ, giấy tờ để xác quyết. Vậy thì ai sai? Trạm BOT đâu tự nhiên mọc lên ngay vị trí đó; còn người tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cơ giới sai thì sai chỗ nào?
Cái sai ấy đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang vào tối 4-12 để tìm giải pháp cho trạm BOT Cai Lậy. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ GTVT báo cáo, trình bày "toàn đúng", Thủ tướng nhấn mạnh: Có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa.
Vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy có phù hợp thực tiễn không? Không. Có hợp lòng dân không? Không. Chỉ cần trả lời được hai câu hỏi này là có thể tạm thời hóa giải được vấn đề và quyết định của Thủ tướng Chính phủ bước đầu đã đạt được sự đồng thuận từ phía người dân.
Câu chuyện BOT sẽ còn tiếp tục được kể trong thời gian tới, sau 1-2 tháng nữa, song đoạn kết tạm thời của nó đã nói lên nhiều thứ. Đó là các cơ quan quản lý nhà nước thường bám vào, dựa vào các khung khổ pháp lý sẵn có để thực thi công vụ và để bảo vệ cho quyết định, lý lẽ của mình mà ít quan tâm đến cách thức và hệ quả của công việc đó có sát thực tiễn hay không, đặc biệt là có hợp lòng dân hay không. Trong khi đó, thực tiễn đã chứng minh chỉ khi nào người dân thực sự được coi là động lực, là mục tiêu trong các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước thì lúc ấy toàn dân đồng lòng, sức mạnh dân tộc được phát huy. Đi ngược lại lợi ích của người dân, đi ngược lại lòng dân thì ắt sẽ thất bại.
Trường hợp BOT Cai Lậy là bài học của lòng dân, rất đáng nhớ và đáng học thuộc đối với những người thực thi chính sách.
Bình luận (0)