Để đẩy nhanh hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP HCM vừa tổ chức cuộc thi Ý tưởng quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị khu trung tâm hiện hữu TP HCM (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP HCM.
Đô thị hấp dẫn cần không gian ngầm
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở QH-KT TP HCM, yêu cầu trong điều chỉnh quy hoạch chung thành phố là phải tích hợp từ hạ tầng cho đến đất đai và những chức năng khác với khối lượng công việc đồ sộ. Vì vậy, sở này hy vọng các sản phẩm dự thi sẽ góp phần tạo tiền đề cho việc tổ chức quy hoạch không gian ngầm trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. "Dự kiến, đồ án cơ bản hoàn thành vào cuối năm nay để trình cấp thẩm quyền phê duyệt vào đầu năm 2023" - ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin.
Nói về lý do chọn khu trung tâm 930 ha và Thủ Thiêm để quy hoạch xây dựng không gian ngầm, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh 2 nơi này là trung tâm hiện hữu và trung tâm mới của thành phố, mật độ xây dựng đô thị cao nên ngầm hóa mới có giá trị. "Bởi ngầm hóa phải tính hết các kết cấu hạ tầng giao thông, không gian phục vụ các chức năng đô thị để có hiệu quả nhất" - ông Nguyễn Anh Tuấn nêu quan điểm.
Khu vực đường Nguyễn Huệ cạnh sông Sài Gòn được kỳ vọng sẽ có không gian ngầm giúp TP HCM giải quyết nhiều vấn đề đô thị
Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, Sở QH-KT TP HCM, khẳng định một đô thị hiện đại có sức hút lớn như TP HCM thì không gian ngầm là một thành phần và là giải pháp không thể thiếu trong bài toán quy hoạch xây dựng đô thị. "Ngoài khu trung tâm hiện hữu, khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng liên quan metro số 1 nên việc khai thác không gian ngầm ở đây là ưu tiên hàng đầu. Chúng ta cần quy hoạch tổng thể về không gian ngầm để giảm áp lực không gian trên mặt đất, tăng thêm không gian công cộng mà trên mặt đất không còn chỗ để làm..." - ông Lý Khánh Tâm Thảo nói.
Ở góc độ tài nguyên, TS-KTS Hoàng Ngọc Lan (Trường Đại học Kiến trúc TP HCM) cho rằng trong bối cảnh phát triển quỹ đất tại các khu trung tâm đô thị bị hạn chế, thành phố cần không gian mở và hệ thống cây xanh công cộng. Do đó, phát triển không gian ngầm để tăng hiệu quả sử dụng đất, giải quyết được nhiều vấn đề của đô thị như hệ thống các đường ống, tuyến giao thông, bãi xe ngầm, cùng các tiện ích cho người dân như thương mại dịch vụ, giải trí dưới lòng đất... là xu hướng tất yếu. Đây là cách thức tối ưu mà nhiều thành phố, đặc biệt các đô thị lớn, đã tiếp cận nghiên cứu và thực hiện nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất mà vẫn giữ được không gian phía trên của đô thị. "Đô thị hấp dẫn cần không gian ngầm" - TS-KTS Hoàng Ngọc Lan nhấn mạnh và đề nghị sớm hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm ở TP HCM.
Kết nối trực tiếp hai bờ Đông - Tây sông Sài Gòn
Để không gian ngầm phát huy hiệu quả tối đa, theo TS-KTS Hoàng Ngọc Lan, khi quy hoạch không gian ngầm, cần hướng đến sự phát triển bền vững. Vì vậy, TP HCM phải đánh giá hiện trạng thật kỹ, tính toán mọi vấn đề như quỹ đất ngầm, đặc điểm địa chất... "Theo tôi, tại khu trung tâm hiện hữu, vì tình trạng sử dụng không gian ngầm đã diễn ra từ trước đến giờ một cách tự phát nên việc đánh giá, tính toán phải là bước đi đầu tiên. Đối với khu đô thị mới Thủ Thiêm, do nền đất yếu nên chuyện quan trọng là nghiên cứu kỹ về địa chất và sự biến động của nó" - TS-KTS Hoàng Ngọc Lan đề xuất.
KTS Ngô Viết Nam Sơn thì đánh giá hiện nay kết nối bờ Đông và Tây sông Sài Gòn còn khá hạn chế. "Bởi hầm Thủ Thiêm và cầu Thủ Thiêm 2 sắp khánh thành không kết nối trực tiếp từ khu trung tâm hiện hữu qua trung tâm mới Thủ Thiêm mà phải đi vòng nên khá bất tiện. Vì vậy, nên có tuyến ngầm kết nối trực tiếp từ phố đi bộ Nguyễn Huệ chạy thẳng sang Thủ Thiêm, có thể là tuyến ngầm cho xe điện với kinh phí đầu tư không quá cao" - KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.
Ngoài ra, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, toàn bộ tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ cần được tổ chức khai thác không gian ngầm. Khi đó, hành khách từ nhà ga metro khu vực trước UBND TP HCM sẽ đi theo không gian ngầm đường Nguyễn Huệ ra bờ sông Sài Gòn và đi thẳng qua Thủ Thiêm. Hoặc hành khách đi theo không gian ngầm dưới đường Lê Lợi nối ra chợ Bến Thành và liên thông với tầng hầm các tòa cao ốc hai bên. "Nói chung, các vị trí không gian ngầm trên phải được kết nối về dưới đường Nguyễn Huệ và kết nối với tầng hầm các cao ốc. Tôi lấy kinh nghiệm từ thời làm quy hoạch cho TP Montreal (Canada), đây là không gian ngầm lớn nhất thế giới và hiệu quả cao nhờ kết nối tầng hầm các cao ốc hai bên đường nối vào không gian ngầm tuyến metro và không gian ngầm đi bộ dưới đường" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến. Theo ông, khi có tuyến ngầm này thì hiệu quả khai thác không gian ngầm sẽ đạt ở mức cao nhất trong việc đi lại, vui chơi, mua sắm...
Nói riêng về khu đô thị mới Thủ Thiêm, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nên làm trung tâm tài chính đối diện với khu trung tâm thành phố hiện nay. Từ phố đi bộ Nguyễn Huệ phải thấy được trung tâm tài chính và kết nối được tốt với trung tâm tài chính. Trung tâm này sẽ là công trình cao tầng, móng sâu và bắt buộc có không gian ngầm. Bởi sau này, mật độ xây dựng cao, người đi lại nhiều, nếu có hệ thống ngầm thì giao thông trên mặt đất không bị ảnh hưởng.
Cùng góp sức vì sự phát triển của TP HCM
Theo ông Lý Khánh Tâm Thảo, thông qua cuộc thi Ý tưởng quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị khu trung tâm hiện hữu TP HCM và khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP HCM mong muốn tập trung kinh nghiệm, kiến thức từ các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trong việc quy hoạch, tổ chức không gian ngầm đô thị, cùng góp sức trong quá trình phát triển chung của thành phố.
Mỗi sản phẩm tham gia thi tuyển là sự đóng góp ý tưởng nhằm tạo ra không gian để bố trí các chức năng hạ tầng kỹ thuật ngầm và các không gian chức năng phù hợp khác dưới mặt đất, tăng tính kết nối và giải tỏa áp lực xây dựng trên mặt đất để phục vụ người dân tốt hơn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-4
Bình luận (0)