Cầu phát thanh, truyền hình mang tên "Muôn vàn tình thương yêu" nhân dịp kỷ niệm 50 năm Bác Hồ đi xa; 50 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác; đã được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp tỉnh Nghệ An và TP HCM tổ chức tối 21-8.
Xúc động những khúc hát về Người
Chương trình diễn ra tại 3 điểm cầu: Nhà hát VOV, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) và Bến Nhà Rồng (TP HCM). Nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng, nhà nước đã tham dự chương trình.
50 năm trôi qua, lời căn dặn và mong ước thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc bất hủ vẫn còn nguyên tính thời sự, vẫn gợi lên nhiều cảm xúc.Những hồi ức, chuyện kể, hoạt cảnh sân khấu ngắn khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh hết mực yêu nước, thương dân... đã được các nghệ sĩ thể hiện đặc sắc. Thông qua đó để thấy Người chăm lo xây dựng Đảng, tình đồng chí, sự đoàn kết, gương mẫu trong Đảng. Người yêu cầu "mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư… Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Một cảnh trong vở kịch “Đêm giao thừa” Ảnh: Công Hân
Những ca khúc nổi tiếng về Bác Hồ, cũng là những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam, đã vang lên như "Từ làng Sen", "Lãnh tụ ca", "Trông cây lại nhớ đến Người", "Ca ngợi Hồ Chủ tịch", "Miền Nam nhớ mãi ơn Người"... qua giọng hát của NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Vũ Thắng Lợi, Trần Hồng Nhung…
Toàn bộ phần âm nhạc được nhạc sĩ Thương Liêm, nhạc sĩ Doãn Nguyên phối khí lại, mang sức sống mới cho những ca khúc đi cùng năm tháng với cảm xúc mới. Những màn hợp xướng hùng tráng cùng dàn múa đông đảo được dàn dựng công phu, gây ấn tượng với người xem.
Cùng trăn trở, suy nghĩ
Không chỉ nêu bật nỗ lực, thành tựu, bài học qua 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, chương trình còn có cả "nốt trầm" khi nói đến những việc mà Đảng ta, nhân dân ta thực hiện chưa thật tốt, chưa toàn diện Di chúc của Bác. Đó là điều để mọi người cùng trăn trở, suy nghĩ, quyết tâm phấn đấu tốt hơn, cao hơn trong thời gian tới.
Lần đầu tiên, một chương trình cầu truyền hình ở Việt Nam có các tác phẩm kịch nói. Những người làm chương trình chọn đây như một điểm nhấn quan trọng trong chương trình. "Đêm giao thừa" với cốt truyện đêm 30 Tết, Bác Hồ đến thăm gia đình một người gánh nước thuê. "Nỗi đau" nói về cuộc đấu tranh nhằm gột rửa những cán bộ thoái hóa, tham nhũng khỏi hàng ngũ Đảng và "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" là câu chuyện về tình đồng đội, đồng chí… đã tái hiện những chuyện có thật trong lịch sử cách đây nhiều năm nhưng tư tưởng vẫn còn rất mới, rất thời sự. Đó cũng là những nội dung trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đến nay chúng ta vẫn thực hiện.
Không chỉ ghi dấu ấn với những tác phẩm kịch nói và âm nhạc, chương trình còn gây ấn tượng bởi các video clip như một dạng phóng sự ngắn điểm lại cuộc đời của Bác cùng những mốc phát triển đất nước, những thành tựu, kết quả đạt được khi thực hiện Di chúc của Người.
Tưởng niệm 50 năm ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sáng 21-8, tại Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), lễ tưởng niệm 50 năm ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) được tổ chức trang trọng.
Tham dự lễ, ngoài đông đảo nhân dân cùng đại diện các dòng họ: Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân và họ Hà ở huyện Kim Liên, huyện Nam Đàn; các đoàn đại biểu trong và ngoài tỉnh, đặc biệt còn có đoàn đại biểu của Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba do ông Carlos Rafael Miranda Martinez - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba - dẫn đầu.
Trước đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn, cán bộ Khu Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân đã làm lễ dâng hoa, dâng hương tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Người, tại dãy núi Đại Huệ, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Đ.Ngọc
Bình luận (0)