Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ. Đáng chú ý, trong dự thảo thông tư, lực lượng công an xã được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.
Không thể phủ nhận lực lượng công an xã đang có những đóng góp rất lớn trong việc bảo đảm an ninh trật tự ở các địa phương. Việc trang bị vũ khí sẽ giúp đội ngũ này thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Tuy nhiên, có không ít ý kiến trái chiều khi dự thảo thông tư được công bố. Do công an xã hiện chưa phải là lực lượng chính quy nên nhiều người lo lắng về tình trạng lạm dụng vũ khí quân dụng tùy tiện, mất kiểm soát, gây hậu quả đáng tiếc. Thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc.
Lực lượng công an xã tuần tra bảo đảm an ninh trật tự mùa cà phê ở Lâm Đồng Ảnh: ĐÌNH THI
Mới đây nhất, chiều 9-11, ông Nguyễn Đình Thanh, Chủ tịch UBND xã Nghi Quang (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An với 2 vết thương khá nặng ở vai và tay do trúng đạn. Khi đang làm việc tại trụ sở UBND xã, ông Thanh đã bị ông Nguyễn Ngọc Thấu, Trưởng Công an xã Nghi Quang, dùng súng bắn nhiều phát vào người.
Trước đó, ngày 20-10, Phạm Ngọc Sơn (SN 1991, Phó trưởng Công an xã Bờ Ngoong) cùng Vũ Quang Mạnh (SN 1995, công an viên xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đi giải quyết vụ đánh nhau. Khi trở về, anh Sơn giao cho Mạnh 1 khẩu súng bắn đạn cao su và 1 còng số 8 để mang về cất vào tủ tại cơ quan. Thế nhưng, Mạnh không chấp hành mà để vào cốp xe máy rồi đi nhậu. Lê Văn Hữu (trú xã Barmaih, Chư Sê; bạn nhậu của Mạnh) thấy trong cốp xe có súng nên cầm xem thì súng bị cướp cò, phát nổ, viên đạn găm vào đầu Hữu. Về nguyên tắc, khi hoàn thành xong nhiệm vụ, Công an xã Bờ Ngoong phải bàn giao, cất giữ công cụ hỗ trợ theo quy định. Việc Vũ Quang Mạnh để súng trong cốp xe là vi phạm về nguyên tắc quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ.
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, khi bàn về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các đại biểu Quốc hội cũng nêu nhiều ý kiến khác nhau về việc trang bị súng cho công an xã. Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cho rằng công an xã là một cấp của lực lượng Công an Nhân dân nên cần cấp súng cho đối tượng này.
Trong khi đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho rằng chỉ nên cấp công cụ hỗ trợ chứ không nên cấp súng. Trong trường hợp vẫn quyết định cấp súng cho công an xã, cần phải quản lý thật chặt chẽ bởi lực lượng công an xã hoạt động ở địa phương tương đối độc lập chứ không như trong lực lượng vũ trang. Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lại cho rằng chỉ nên cấp súng cho trưởng công an xã.
Ngày 9-12, ông Nông Đông Hưng, Phó trưởng Công an xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), cho rằng dự thảo thông tư của Bộ Công an đề xuất hỗ trợ trang bị vũ khí quân dụng sẽ tạo điều kiện cho công an xã bảo về an ninh trật tự địa phương. Tuy nhiên, để được sử dụng những công cụ này, các trưởng và phó công an xã phải trải qua quá trình huấn luyện đạt chứng chỉ mới được sử dụng súng. Về công an viên, đúng ra không được sử dụng còng tay số 8, tùy trường hợp đặc biệt cấp thiết nguy hiểm phải có ý kiến xin phép cấp trên chấp nhận.
Thiếu tá Y Tuệ Ayun, Trưởng Công an xã Cư Né (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk), khẳng định tội phạm hiện nay ngày càng manh động nhưng việc trang bị vũ khí quân dụng cho công xã là chưa cần thiết.
Hiện nay, công xã được trang bị công cụ hỗ trợ là súng bắn đạn cao su, hơi cay cũng đã bảo đảm cho công việc. Việc trang bị súng quân dụng cho công an xã mà sử dụng không đúng mục đích thì rất nguy hiểm, cần phải cân nhắc. Thực tế, trụ sở các công an xã cũng chưa bảo đảm, nếu trang bị vũ khí quân dụng thì khó khăn cho việc bảo quản.
Các đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng
Dự thảo Thông tư nêu rõ đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bao gồm: Cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an; Cục nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục; Các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh; Trại giam, trại tạm giam; Học viện, trường Công an Nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an Nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện; công an, Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; công an xã, phường, thị trấn.
Nhóm đối tượng trên được trang bị loại vũ khí quân dụng bao gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân, trực thăng vũ trang, xe thiết giáp, mìn, lựu đạn và đạn sử dụng cho các loại súng này. Ngoài ra, được trang bị loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ quy định tại khoản 4 và khoản 11 điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Cấp thiết nâng tiêu chuẩn tuyển chọn công an xã
Theo dự thảo thông tư của Bộ Công an, sắp tới, lực lượng công an xã sẽ được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ. Nếu dự thảo này được ban hành sẽ gây ra nhiều lo ngại cho xã hội. Bởi lẽ, hiện nay, tiêu chuẩn tuyển chọn vào làm công an xã, nhất là công an viên, khá đơn giản, trình độ học vấn khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
Không thể phủ nhận lực lượng công an xã giữ vai trò nòng cốt, chính yếu trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở các địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, miền núi, hải đảo. Tuy nhiên, lực lượng công an xã hiện nay là lực lượng vũ trang bán chuyên trách chứ không phải là lực lượng chuyên nghiệp.
Điều này được quy định rõ trong Pháp lệnh Công an xã do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2008. Theo khoản 1 điều 5, Pháp lệnh Công an xã, công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khỏe theo quy định của Chính phủ, có nguyện vọng và năng khiếu phù hợp với công tác công an thì được xem xét, tuyển chọn vào công an xã.
Theo Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 7-9-2009 của Chính phủ thi hành Pháp lệnh Công an xã, tiêu chuẩn được nêu cụ thể hơn tại điểm c, khoản 1, điều 4: Trưởng công an xã, phó trưởng công an xã phải là người đã học xong chương trình THPT trở lên (có bằng tốt nghiệp hoặc có giấy chứng nhận đã học hết chương trình THPT do cơ quan có thẩm quyền cấp); công an viên phải là người đã tốt nghiệp từ THCS trở lên.
Đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa không có đối tượng tuyển chọn có đủ tiêu chuẩn học vấn theo quy định tại điểm này thì trình độ học vấn của trưởng công an xã, phó trưởng công an xã và công an viên có thể thấp hơn nhưng cũng phải là người đã học xong chương trình tiểu học trở lên.
Với một người trình độ tiểu học, tức mới qua ngưỡng xóa mù chữ và chưa qua trường lớp đào tạo chính quy, thậm chí nhiều người chưa tốt nghiệp THPT, nhưng được trang bị vũ khí quân dụng là điều đáng băn khoăn. Chính phủ, Bộ Công an cần cân nhắc thấu đáo giữa mặt tích cực và những hạn chế khi đưa ra quy định này. Trong trường hợp cần thiết phải trang bị thì chỉ nên trang bị cho chức danh trưởng công an xã nhưng phải quy định điều kiện sử dụng chặt chẽ, tránh lạm dụng việc sử dụng tùy tiện.
Về lâu dài, tôi cho rằng cần phải nâng mặt bằng trình độ của lực lượng công an xã, đồng thời nâng điều kiện tuyển chọn và chỉ những người được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp mới được tuyển dụng vào lực lượng này. Lúc đó, khi Bộ Công an chuẩn hóa lực lượng công an xã thì việc trang bị vũ khí quân dụng cũng chưa muộn.
Bình luận (0)