Lỗ hổng dẫn đến tai biến y khoa
Ngày 29-5-2017, tại Đơn nguyên Thận nhân tạo BVĐK tỉnh Hòa Bình, 18 bệnh nhân đang lọc máu đột nhiên xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, đau bụng... Sau đó, 8 bệnh nhân đã tử vong, 10 người khác phải điều trị kéo dài.
Y - bác sĩ cấp cứu cho các bệnh nhân bị tai biến chạy thận ở Hòa Bình Ảnh: NGỌC DUNG
Một tháng sau, Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an đã kết luận Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh - đơn vị ký hợp đồng súc rửa hệ thống lọc nước RO - không tuân thủ đúng quy trình, khiến hàm lượng florua tồn trong hệ thống cao gấp từ 245-260 lần mức cho phép. Trước đó, trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO, Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) đã sử dụng hóa chất acid clohydric và acid flohydric để sục rửa. Mặc dù chưa biết nước đã đạt tiêu chuẩn hay chưa nhưng Quốc vẫn bàn giao cho BV để đưa vào sử dụng. Hàm lượng florua quá cao là nguyên nhân gây tử vong cho các bệnh nhân.
Tháng 8-2017, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã cách chức Giám đốc BVĐK Hòa Bình Trương Quý Dương vì để xảy ra tai biến trong chạy thận. Tháng 3-2018, VKSND tỉnh Hòa Bình đã truy tố 3 bị can gồm Bùi Mạnh Quốc; Trần Văn Sơn (SN 1990, cán bộ phòng vật tư - trang thiết bị y tế) và Hoàng Công Lương (SN 1986, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên Thận nhân tạo BVĐK tỉnh Hòa Bình) về các tội "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Có đúng người, đúng tội?
Khẳng định đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, Bộ Y tế mong muốn cơ quan điều tra nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử để làm rõ tội trạng của các bị can.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho rằng việc định tội danh truy tố BS Hoàng Công Lương là chưa phù hợp do bác sĩ đã hoàn thành trách nhiệm theo Luật Khám chữa bệnh và quy chế BV. "BS Lương không có trình độ, năng lực, thiết bị kiểm tra nước chạy thận đã tinh khiết hay chưa. Việc này phải qua thiết bị chuyên ngành mới xác định được. Dù có kiểm tra thì BS Lương cũng không thể biết được" - ông Quang nói.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng không thể bỏ qua vai trò của người đứng đầu BV thời điểm xảy ra sự cố là giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình. Với chức trách được phân công, ông Trương Quý Dương phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên và cao nhất đối với toàn bộ sự việc xảy ra trong BV. "Người trực tiếp vận hành chạy máy thận nhân tạo là các bác sĩ trong khi các bộ phận bảo đảm an toàn về mặt kỹ thuật lại là các công ty do ban lãnh đạo BV lựa chọn" - đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, nói.
Luật sư (LS) Lê Văn Thiệp (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết Quy chế Khám chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành đã quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các chức danh trong các BV, cơ sở khám chữa bệnh, việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc mua bán, tiếp nhận thiết bị, vật tư y tế là của bộ phận hành chính hoặc những người có trách nhiệm, quyền hạn được giám đốc BV giao nhiệm vụ. Do đó, BS Lương khi khám chữa bệnh chỉ chịu trách nhiệm với y lệnh của mình chứ không phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh đã được BV tiếp nhận bằng các giao dịch hợp pháp.
Theo LS Thiệp, việc chưa có biên bản bàn giao của đơn vị bảo dưỡng với BV là lỗi của giám đốc BV hoặc người được giao nhiệm vụ giao nhận thiết bị, vật tư. "Thủ tục bàn giao là thủ tục hành chính, việc bàn giao không làm thay đổi chất lượng nước dùng để chạy thận nên suy luận như hiện nay đã làm sai lệch bản chất của vụ việc, gây oan sai cho người không phạm tội" - LS Thiệp nói. Hơn nữa, bệnh nhân bị tử vong là do chất lượng nước dùng để chạy thận nên lỗi trực tiếp thuộc về đơn vị cung cấp dịch vụ bảo dưỡng thiết bị lọc nước.
Mòn mỏi chờ đền bù
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (con của bà Nguyễn Thị Minh, 1 trong 8 người tử vong trong vụ tai biến chạy thận) cho biết từ cuối tháng 9-2017, các gia đình bắt đầu thỏa thuận với BV về mức đền bù là 250 triệu đồng/trường hợp tử vong nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Gia đình một số nạn nhân đã nhận được giấy mời triệu tập của tòa đến dự xét xử vụ án.
Bình luận (0)