Ngày 9-3, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) trưng bày, lấy ý kiến nhân dân về Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm). Việc lấy ý kiến diễn ra trong 3 tuần, từ ngày 9-3. Sau đó, MRB hoàn chỉnh quy hoạch và dự kiến trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5.
Tại buổi trưng bày, GS sử học Lê Văn Lan bày tỏ: "Mọi thứ đã tính toán cẩn thận, chu đáo. Sau những gợi ý, những lần đóng góp, thậm chí cả những kiến nghị, phản biện của tôi nữa, tất cả đã được tiếp thu". KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Hà Nội, cho rằng phương án đặt nhà ga ngầm lần này được nhiều chuyên gia thống nhất và vị trí được lựa chọn nằm trong di tích nhưng cơ bản không vi phạm vào các công trình di tích.
Người dân Hà Nội xem triển lãm Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 Ảnh: Huy Thanh
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng Phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi lấy ý kiến rộng rãi các phương án tuyến và cửa ga, từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các ban, ngành khác. Cuối cùng, chọn phương án thiết kế tối ưu đang lấy ý kiến của người dân". Theo ông Nghĩa, nếu được người dân ủng hộ, TP yêu cầu đặt lối lên xuống của ga C9 không có mái che, chỉ trồng cây xung quanh đó để giữ cảnh quan thiên nhiên của hồ Gươm. Ông khẳng định việc xây dựng không ảnh hưởng đến cảnh quan của hồ Gươm bởi toàn bộ ga đều ngầm.
Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh, Hội KTS Hà Nội, cho rằng Hà Nội đã thành công trong việc tổ chức không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận, làm nên sự hài hòa trong bức tranh đô thị. Nếu xây ga C9 cạnh hồ Gươm sẽ làm tăng lưu lượng người và phương tiện, mâu thuẫn với mục đích của việc tổ chức không gian đi bộ - tạo một không gian tĩnh ở trung tâm thủ đô. Cũng theo KTS Ánh, nhiều lần giới KTS có ý kiến đưa vị trí ga lùi xa hồ Gươm, có ý kiến đề nghị dịch chuyển về phía sông Hồng để tạo những giá trị đô thị mới và bảo tồn nguyên vẹn không gian hồ Gươm.
PGS-TS Hà Đình Đức cho biết hồ Gươm và khu vực phụ cận là di tích quốc gia đặc biệt nên phải hết sức thận trọng. Không chỉ lấy đa số người dân là được mà phải làm theo Luật Di sản. Khu vực hồ Gươm là nơi yên tĩnh, nếu làm ở đây thì không giữ được sự yên tĩnh của những nơi tôn nghiêm, ảnh hưởng đến các di tích lịch sử.
Nhà ga chính C9 được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Gươm, dài 150 m và rộng 21,4 m; sâu 17,45 m và có 3 tầng. Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới hồ Gươm là khoảng 10 m, tới tượng đài Cảm tử 81 m, đến đền Bà Kiệu 83 m, đến Tháp Bút 36 m và đến vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.
Bình luận (0)