Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số tiền công đức ở danh thắng Yên Tử thấp hơn cả những đền, chùa, di tích nhỏ hơn khác ở tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, số thu tiền công đức năm 2022 của Yên Tử là 3,7 tỉ đồng, chỉ tương đương số thu tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên (3,3 tỉ đồng), thấp hơn so với số thu tại đền Thánh Mẫu - di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái (5,8 tỉ đồng) và chưa bằng 1/5 số thu tại đền Cửa Ông, TP Cẩm Phả (20,1 tỉ đồng).
Du khách chen chân lên chùa Đồng, Yên Tử
Trước thông tin gây băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử, ngày 23-7, trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử lý giải hiện ở Yên Tử có 2 dòng tiền do tăng ni, phật tử, người dân… ủng hộ, gồm: Tiền công đức (trong các hòm công đức, thường được ghi vào sổ) và tiền giọt dầu (tiền công đức trên các ban thờ, tượng phật…).
Trong đó, tiền công đức do một ban, gồm đại diện các cơ quan chính quyền cùng nhà chùa, quản lý và giám sát; trong khi tiền giọt dầu do nhà chùa quản lý, sử dụng hoàn toàn và chỉ nhà chùa mới biết.
Đại diện Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết số tiền 3,7 tỉ đồng năm 2022, theo báo cáo của Bộ Tài chính, là số tiền trong các hòm công đức, do ban đại diện trên quản lý, chứ không có tiền giọt dầu, trong khi, số tiền giọt dầu thường lớn hơn số tiền công đức.
Lý giải về việc tại sao số tiền công đức của Yên Tử lại thấp hơn ở các cơ sở khác trong khi Yên Tử luôn đón lượng khách đông hơn rất nhiều, đại diện Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho rằng các đền, di tích khác đều do chính quyền quản lý nên tiền công đức và giọt dầu đều quy vào một mối.
Theo ông Phạm Thành Trung, Trưởng Ban Quản lý đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh), cả tiền công đức và giọt dầu ở đền Cửa Ông đều do chính quyền quản lý, giám sát; sau khi kiểm đếm đều được chuyển thẳng vào kho bạc.
Theo thống kê, số tiền công đức tại Yên Tử năm cao nhất được trên 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 4% trong số này được trích lại cho Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (khoảng gần 1 tỉ đồng); 96% còn lại thuộc về nhà chùa.
Về thông tin mỗi năm Yên Tử đón khoảng 2 triệu lượt khách, đại diện Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết năm địa danh này đón số lượng khách đông nhất là năm 2018, với khoảng 1 triệu khách.
Cũng theo vị đại diện Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, từ năm 2018, danh thắng Yên Tử được phép thu phí tham quan nên có thể tính toán cơ bản chính xác số lượng khách đến bởi dựa trên số vé bán ra, nhưng chưa năm nào vượt qua 1 triệu lượt khách.
Năm 2022, Yên Tử đón hơn 200.000 khách. 7 tháng đầu năm 2023, số lượng khách đến Yên Tử là hơn 500.000 người. Số tiền công đức 7 tháng đầu năm của Yên Tử là gần 8 tỉ đồng.
Bình luận (0)