Chỉ cần gõ từ khóa "mua bằng giả" trên Google, ngay lập tức xuất hiện hàng chục trang web cung cấp bằng giả đủ loại, bất chấp việc quảng cáo này có thể bị cơ quan công an triệt phá.
Gọi điện thoại, giao tận tay
Tất cả các trang web này đều ghi rõ số điện thoại liên lạc để gặp trực tiếp người có nhu cầu làm văn bằng, chứng chỉ giả.
Một trang web rao bán bằng giả công khai trên internet
Theo quảng cáo của trang http://lambangchuan24-7.com, trang này sẽ cung cấp cho người mua các loại văn bằng giá rẻ phôi gốc thật chuẩn 100% , mộc đóng và mộc nổi giáp lai giống thật 100%, tem 7 màu 6 cánh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi làm xong, giao bằng rồi nhận tiền mà không cần đặt cọc. Thậm chí, người mua có thể mượn bằng thật ra so sánh, nếu bằng giả không giống sẽ không lấy tiền.
Ở một trang web khác là https://lambanggiasoc.com/ với slogan là "uy tín - chuyên nghiệp - giá rẻ - kín đáo", gọi số điện thoại trên trang web, phóng viên còn được tư vấn nên lựa chọn mua văn bằng trường nào, ngành nào để dễ xin việc.
Khi chúng tôi đặt hàng một văn bằng của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, người nghe điện thoại ra giá bằng ĐH là 4 triệu đồng, cao đẳng 3,5 triệu đồng và có thể giao ngay trong ngày. Người này còn cam kết khi nào giao bằng mới nhận tiền và có thể mang bằng thật theo để đối chiếu xem có giống thật không rồi mới nhận bằng và trả tiền.
Trên rất nhiều trang web bán bằng giả khác, người mua chỉ cần nhắn tin cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, Zalo là có thể nhận được văn bằng, chứng chỉ giả. Đối tượng làm giả còn khẳng định "bao soi", "bao công chứng" đối với các văn bằng, chứng chỉ, tài liệu mà họ làm ra.
Giá trung bình của văn bằng giả cấp ĐH và CĐ từ 3,5-4 triệu đồng, bằng trung cấp 3 triệu đồng, bằng trung học phổ thông 2,5 triệu đồng. Trường hợp muốn lấy nhanh trong ngày, giá sẽ cao hơn.
Công khai danh sách sinh viên tốt nghiệp
Cách đây vài ngày, Phòng Đào tạo sau ĐH thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM) vừa phát hiện 3 học viên cao học sử dụng chứng chỉ TOEIC giả trong hồ sơ đăng ký xét tốt nghiệp. Hội đồng xử lý kỷ luật của trường đã họp và đình chỉ, hủy kết quả học tập của 3 học viên này, đồng thời cấm thi vào trường trong 3 năm tới.
Tuy nhiên trên thực tế, việc bị đuổi học có vẻ vẫn không khiến nhiều người lo ngại. Nhu cầu mua bằng giả đang nở rộ và có cầu thì có cung.
Để tránh tình trạng sử dụng văn bằng chứng chỉ giả, nhiều trường ĐH đã công bố và cập nhật danh sách sinh viên tốt nghiệp lên website để các cơ quan, đơn vị kiểm tra văn bằng của học viên, ứng viên, người lao động khi cần. Một chuyên gia cho hay việc này giúp các cơ quan chức năng có thể tự thẩm định hồ sơ của bất kỳ cá nhân nào mà không cần xác minh từ trường ĐH.
"Giả của giả" để đối phó hậu kiểm
Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi, cho hay trường này thường xuyên nhận được các văn bản đề nghị xác minh văn bằng của các cơ quan tổ chức.
"Trong bối cảnh thật giả khó lường, chúng tôi rất hoan nghênh việc các đơn vị sử dụng lao động hậu kiểm văn bằng của người được tuyển dụng. Tôi biết có nhiều đơn vị còn giao cho chính đối tượng cần hậu kiểm đi xác minh văn bằng. Như vậy, sẽ xảy ra "giả của giả" vì họ tiếp tục làm giả con dấu, chữ ký trường ĐH trong hồ sơ xác minh" - ông Thạc nêu thực trạng.
Ông Thạc cũng đồng tình với quan điểm công khai danh sách sinh viên tốt nghiệp mỗi năm trên website của nhà trường dưới dạng tra cứu để các cơ quan, đơn vị có thể kiểm tra thông tin khi cần.
Bình luận (0)