Mỗi lần nhìn vào góc tủ thấy những bộ quần áo bơi là vợ chồng anh Nguyễn Văn Khoát - ngụ tầng 12 chung cư HQC Plaza Bình Chánh (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM) - lại cảm thấy bực mình.
Nghĩ tới là tức
4 năm trước, khi mua chung cư trên, anh Khoát được quảng cáo có hồ bơi, công viên cùng khu vui chơi trẻ em. Đến khi dẫn cả gia đình đi mua đồ bơi rồi xuống để đi bơi thì bất ngờ bị bảo vệ ngăn lại, thông báo đây không phải hồ bơi mà là nơi tạo cảnh quan trang trí cho chung cư. Thấy vô lý, anh Khoát tìm gặp ban quản lý thì được khẳng định chức năng hồ này là điều tiết nhưng chủ đầu tư xây dựng như hồ bơi để trang trí cho đẹp (!?).
Thấy không thuyết phục, anh Khoát tìm lại các bản thiết kế 3D mô phỏng về chung cư do chủ đầu tư cung cấp. Từ đó, nhận thấy có sự mập mờ về thông tin tiện ích. Đặc biệt, trên bản vẽ có hình ảnh người dân bơi lội và không chú thích đây có phải là hồ bơi hay không. "Tôi gọi điện thoại lên chủ đầu tư và được thông báo dự án này không có hồ bơi. Cảm giác như bị lừa gạt vì bị cắt bớt tiện ích đang có" - anh Khoát bày tỏ.
Nói về công viên, anh Khoát còn bức xúc hơn. "Trong bản thiết kế ban đầu, tôi thấy một công viên với không gian thoáng đãng, rộng lớn. Tuy nhiên, giờ đây chỉ là dải phân cách giữa lối đi nội bộ của các tòa nhà trong chung cư và bề rộng chừng 2 m, chỉ đủ để trồng thảm cỏ và cho xe đi lại. Mỗi chiều dẫn con đi dạo, tôi luôn nơm nớp lo sợ khi xe máy chạy qua lại liên tục" - anh Khoát chia sẻ.
Hồ cảnh quan ở chung cư HQC Plaza Bình Chánh (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM) khiến nhiều người lầm tưởng là hồ bơi
Hơn 10 năm qua, cư dân chung cư Phú Mỹ (quận 7, TP HCM) liên tục gửi đơn khắp nơi về việc khi dọn vào ở thì bất ngờ phát hiện các tiện ích như khu vui chơi trẻ em, hồ bơi và phòng thể dục như bản vẽ ban đầu… biến mất. Ông Đào Đức Hiệp, Trưởng Ban Quản trị chung cư Phú Mỹ, cho biết suốt nhiều năm phản ánh nhưng cơ quan chức năng vẫn không xử lý và trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân. Gần đây nhất, Thanh tra TP làm việc, xác định chủ đầu tư có chuyển đổi công năng, song hậu quả và hướng khắc phục không đưa ra rõ ràng (?!).
Tương tự, cư dân chung cư cao cấp Ngọc Khánh (quận 5, TP HCM) cũng bất bình không kém. Ông Lê Thành Tín (cư dân chung cư Ngọc Khánh) cho hay trước khi mua, ông coi bản vẽ thiết kế phối cảnh của chung cư cùng cam kết là căn hộ sẽ kèm tiện ích khác biệt so với các dạng tòa nhà officetel (căn hộ văn phòng kết hợp khách sạn). "Tôi đã sai lầm. Giờ khi đi làm về, tôi chỉ có thể di chuyển từ tầng hầm bãi xe lên thẳng căn hộ. Nơi đây chẳng có khuôn viên công cộng, mảng xanh... Nhìn từ bên ngoài, chung cư như một tòa nhà văn phòng nằm sát mép đường" - ông Tín bực tức nói.
Vì đâu nên nỗi?
Phản hồi việc tiện ích bị "biến mất", Tập đoàn Hoàng Quân Group (chủ đầu tư dự án HQC Plaza Bình Chánh) cho biết ban đầu là dự án nhà ở thương mại nhưng sau đó chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội. Từ đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cho phép tăng thêm số lượng căn hộ để hạ giá nhà. Qua rà soát lại chỉ tiêu xây dựng không đủ diện tích làm hồ bơi nên chuyển chức năng này thành hồ cảnh quan để trang trí.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP HCM, hiện TP có hơn 100 chung cư đang phát sinh mâu thuẫn. Trong đó, tỉ lệ cư dân và ban quản trị phản ánh về tình trạng tiện ích, phần diện tích chung và riêng chiếm tỉ lệ cao. Thậm chí có cả những chung cư mâu thuẫn gay gắt đưa ra tòa án nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết. Ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM, khẳng định đối với các công trình chưa thực hiện đầy đủ các hạng mục sẽ không được hoàn công, điều này đồng nghĩa việc các thủ tục pháp lý tiếp theo không thực hiện được. Trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra các hoạt động từ lúc khởi công cho đến quá trình hoàn thiện dự án để kịp thời ngăn chặn các hoạt động không bảo đảm đúng với thiết kế ban đầu.
Trong khi đó, kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam khẳng định khi hình thành một chung cư luôn được tính toán các tiện ích kèm theo; riêng những đại dự án bắt buộc phải đầu tư cả trường học, trạm y tế hoặc bệnh viện nhằm đáp ứng số lượng hàng chục ngàn người về sinh sống. "Nói thẳng, do quỹ đất để làm dự án ít và vì lợi nhuận nên nhiều chủ đầu tư tìm mọi cách cắt xén hoặc không thực hiện các nghĩa vụ về việc đầu tư tiện ích như thiết kế ban đầu. Khắc phục việc này không khó nếu các cơ quan liên quan quyết tâm, thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án của chủ đầu tư. Đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng dự án khởi công, rao bán căn hộ rồi bắt đầu xin chuyển công năng" - kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam nêu giải pháp.
Mức phạt quá nhẹ!
Luật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng cần phải tăng chế tài đối với chủ đầu tư khi làm dự án xong rồi bỏ rơi các tiện ích bằng biện pháp không cho tiếp tục đầu tư và thực hiện các dự án tiếp theo.
Ông Nguyễn Anh Minh phân tích lâu nay, việc xử lý vi phạm trên chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, trong khi số tiền nộp phạt không bằng lợi nhuận mà chủ đầu tư được hưởng sau khi bỏ qua tiện ích. Ngoài ra, việc không nghiệm thu, hoàn công dự án không hoàn thiện tiện ích hay tự ý thay đổi công năng không ảnh hưởng nhiều đến chủ đầu tư mà thiệt hại vẫn là người dân. Do đó, nếu không chế tài thật mạnh, phạt thật cao thì tình trạng bỏ qua tiện ích sẽ tiếp tục tái diễn ở các dự án chung cư.
Bình luận (0)