Ngày 16-6, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 và triển khai phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp to lớn trực tiếp nhiều mặt của truyền thông, báo chí nước nhà vào kết quả phòng chống dịch. Việt Nam đã chống dịch với tinh thần của thời chiến, "chống dịch như chống giặc", "thần tốc, thần tốc hơn nữa". Do đó, đã sử dụng các đối sách kịp thời như cách ly tập trung; sử dụng các lực lượng quân đội, công an vào công tác này; "quân lệnh như sơn"; khóa chặt bên ngoài, khoanh vùng, dập dịch bên trong; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm ảnh phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
"Thà hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm sức khỏe nhân dân. Toàn dân đã vào cuộc, đồng tâm hiệp lực, quyết tâm chống Covid-19 đã hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng và điều thần kỳ, may mắn không có bệnh nhân nào bị tử vong. Nhờ đó, chúng ta có tỉ lệ lây nhiễm trên số dân là thấp nhất và chi phí phòng chống dịch cũng thấp nhất" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để có thành quả này, theo Thủ tướng, ngành tuyên giáo, truyền thông và thông tin, các cơ quan báo chí, giới văn nghệ sĩ đã đóng góp quan trọng vào phòng chống dịch, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc để chiến thắng đại dịch. Đây là món quà quý giá để chúng ta có sản phẩm thiết thực, đóng góp vào kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta không được chủ quan, nếu chủ quan thì sẽ trả giá khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện chưa có vắc-xin. Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng cho rằng cần phải làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, truyền thông phải góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, công ty tốt, cách làm ăn hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch. Ngoài ra, truyền thông, thông tin phải góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng phát triển thị trường trong nước đối với sức tiêu dùng gần 100 triệu dân đang tăng trưởng nhanh về thu nhập...
"ATM thực phẩm miễn phí" của Báo Người Lao Động là điểm sáng
Tại hội nghị, Thủ tướng đã quyết định thưởng 1 tỉ đồng cho tất cả các cơ quan báo chí tham gia thực hiện nhiệm vụ truyền thông, thông tin về Covid-19. Ngoài ra, trao bằng khen của Thủ tướng cho 18 tập thể.
Trong phóng sự chủ đề "Báo chí trên mặt trận phòng chống Covid-19" phát tại hội nghị, cây "ATM thực phẩm miễn phí" của Báo Người Lao Động được nhắc đến là điểm sáng trong phòng chống dịch Covid-19. Qua đó, tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, phát huy lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, chung sức, đồng lòng, chia sẻ, giúp đỡ, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh và ổn định cuộc sống.
Bình luận (0)