Ngày 11-5, tại tỉnh Bình Dương, Ban Tuyên giáo Trung ương (BTGTƯ) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Xuất bản Việt Nam và Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức hội nghị Quán triệt, triển khai một số quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII cho 32 tỉnh, thành phố phía Nam.
Nâng cao trách nhiệm của nhà báo
Ông Lại Xuân Môn, Phó trưởng Ban Thường trực BTGTƯ, nhấn mạnh các quy định mới được quán triệt tại hội nghị là những văn bản rất quan trọng, có tác động trực tiếp đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong cả nước để các đại biểu hiểu đầy đủ về những nội dung quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành. Trên cơ sở đó, vận dụng vào tình hình thực tế và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức Đảng và hệ thống chính trị.
Theo đó, quán triệt Quy định 85-QĐ/TW, ngày 7-10-2022 về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội, ông Lê Hải Bình, Phó trưởng BTGTƯ, cho biết đây là quy định mới, được ban hành nhằm nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, phát huy cao độ tính tiên phong, gương mẫu trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và xây dựng môi trường internet, mạng xã hội văn minh, lành mạnh, an toàn. Phó trưởng BTGTƯ Vũ Thanh Mai đã quán triệt Quy định 99-QĐ/TW, ngày 27/2/2023 của Ban Bí thư về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng. Quy định nêu rõ quy cách cờ Đảng, nguyên tắc, đối tượng sử dụng và thời gian treo cờ Đảng; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực hiện quy định này; góp phần tạo sự thống nhất trong sử dụng cờ Đảng, hình ảnh Đảng kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện sự trang nghiêm của Đảng. Qua đó, giáo dục, bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đề nghị giải thích, làm rõ một số nội dung xoay quanh các vấn đề như công tác quản lý nhà nước về báo chí xuất bản; tình trạng báo hóa tạp chí và xử lý kỷ luật việc này như thế nào. Bên cạnh đó là những trăn trở về xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và các nhà báo. Việc cán bộ, đảng viên, nhà báo thiết lập và sử dụng internet, mạng xã hội như thế nào cho đúng...
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ 3 từ trái qua) cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị
Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng BTGTƯ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - cho rằng với sự phát triển của mạng xã hội thì tầm ảnh hưởng của nhà báo với lợi thế nắm bắt thông tin nhanh nhạy, truyền tải đến công chúng ngày càng lớn. Tuy nhiên, để sử dụng mạng xã hội hiệu quả thì các cơ quan báo chí phải có định hướng cho phóng viên, nhà báo.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng BTGTƯ - lưu ý cần xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện các quy định; thông tin, báo cáo kết quả thực hiện quy định ở các cấp theo từng quý, từng năm; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt; nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả; kịp thời báo cáo, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về BTGTƯ để có chủ trương chỉ đạo kịp thời, sát tình hình thực tế.
Trưởng BTGTƯ yêu cầu thời gian tới, các cơ quan báo chí cần thực hiện theo đúng tôn chỉ mục đích để làm phong phú đời sống báo chí của đất nước. "Phản ánh xã hội đúng, chính xác, hướng tới chân thiện mỹ, hướng tới sự thật khách quan, không lấy phản ánh xã hội đi vào lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến sự nghiệp chung, phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Khuyến khích phản biện xã hội tức là những điểm nghẽn, nghị quyết đúng, chủ trương đúng, pháp luật có nhưng chỗ nào làm không tốt thì phản ánh. Phải có những bài viết thấm sâu vào lòng dân, để dân biết cái nào sai trái, cái nào cần bảo vệ. Tuyên truyền chống tham nhũng tiêu cực phải chủ động, tích cực hơn và đưa tin phải khách quan, kịp thời" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Tham gia chống tin sai lệch trên mạng xã hội
Theo ông Lê Quốc Minh, để xây dựng môi trường mạng xã hội trong sạch thì vai trò mỗi nhà báo rất quan trọng. "Các nhà báo phải chủ động chia sẻ những thông tin tích cực, có lợi cho xã hội, đất nước một cách mạnh mẽ chứ không phải chỉ sử dụng mạng xã hội như một tài khoản của cá nhân. Chúng tôi cũng khuyến khích các nhà báo chủ động phát hiện những thông tin sai lệch, giả mạo để góp phần đính chính hoặc bóc trần nội dung không chính xác để tham gia vào việc chống tin giả, tin sai lệch" - ông Minh nói.
Bình luận (0)