Tối 21-6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2018) và lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ XII. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước đến dự.
Trong 145 tác phẩm tiêu biểu vào chung khảo, hội đồng chung khảo đã chọn trao giải cho 105 tác phẩm thuộc 11 loại giải dành cho báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí. Trong đó có 8 giải A, 25 giải B, 43 giải C và 29 giải khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả. Nhà báo Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí quốc gia - đánh giá tuy chưa có những tác phẩm thực sự gây tiếng vang lớn nhưng nhìn chung, nhiều tác phẩm có tính phát hiện, tính phản biện, chiến đấu cao, có sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội tích cực, được đầu tư bài bản. Nhiều công nghệ và phương thức làm báo hiện đại, tiên tiến (như infographic, báo chí dữ liệu,…) được sử dụng có hiệu quả; vị thế, thương hiệu của giải báo chí quốc gia vì thế ngày càng được nâng cao.
Các tác giả đoạt giải được tuyên dương tại lễ trao giải báo chí TP HCM lần thứ 36 Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chúc mừng và đánh giá cao vai trò của báo chí đối với thời đại hiện nay. Theo Phó Thủ tướng, thông qua các tác phẩm, người đọc thấy được công sức, trí tuệ, ý thức trách nhiệm, sự dấn thân, lòng yêu nghề và cách thể hiện đầy sáng tạo của các nhà báo.
* Sáng cùng ngày, Hội Nhà báo TP HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao giải thưởng báo chí TP HCM lần thứ 36 năm 2018.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, đánh giá cao tinh thần dấn thân, lòng yêu nghề, nỗ lực sáng tạo của các tác giả có tác phẩm đoạt giải báo chí TP năm nay. Trước vận hội mới của đất nước, yêu cầu đổi mới báo chí, bà Thư mong muốn mỗi nhà báo phải thể hiện được trách nhiệm và bản lĩnh của mình. "Người làm báo phải nói thẳng nhưng cũng phải cân nhắc nhiều hơn khi viết để làm sao nội dung thông tin trên báo giúp cho xã hội nhận thức đúng bản chất sự việc, giúp bạn đọc có thái độ tích cực với cuộc sống. Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của người dân" - bà Thư nhấn mạnh.
Từ 226 tác phẩm dự thi của 20 cơ quan báo, đài tại TP HCM, hội đồng chấm giải đã chọn ra 65 tác phẩm để trao giải, gồm 5 giải nhất, 15 giải nhì, 21 giải ba và 25 giải khuyến khích. Trong số 65 tác phẩm xuất sắc được chọn trao giải năm nay, Báo Người Lao Động có 7 tác phẩm đoạt giải. Cụ thể, ở nhóm I (tin, ảnh báo chí), Báo Người Lao Động đoạt giải nhất với tác phẩm "Lớp học đặc biệt của "Chú Bio" của các tác giả Hồng Đào, Hoàng Triều, Tấn Nguyên. Ở nhóm III (phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí), Báo Người Lao Động có 1 tác phẩm đoạt giải nhì, 1 tác phẩm đoạt giải ba và 1 tác phẩm đoạt giải khuyến khích. Cụ thể, giải nhì thuộc về tác phẩm "Thác loạn bên trong các nhà hàng" của Lê Phong, Sỹ Hưng, Diệp Khiết; giải ba là tác phẩm "Đường dây lao động "khổ sai" ở Nga" của Minh Sơn, Lê Phong, Công Tuấn; giải khuyến khích là tác phẩm "Trái ngọt sau giông bão" của Anh Thư, Ngọc Dung. Ở nhóm IV (phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh), Báo Người Lao Động có 2 tác phẩm đoạt giải, với giải nhì thuộc về tác phẩm "Bí mật sau vỉa hè quận 1" của Phan Anh, Lê Phong, Gia Minh, Thành Đồng và giải ba là tác phẩm "Điểm mặt "đại gia" bức hại sông, rạch" của Lê Phong, Sỹ Đông, Phan Anh, Gia Minh, Trường Hoàng. Ở nhóm V (công trình tập thể), Báo Người Lao Động đoạt giải ba với tác phẩm "Gạc Ma khắc cốt ghi tâm" của Cao Nguyên, Bích Vân, Kỳ Nam, Minh Tuấn, Quang Nhật, Hồng Ánh, Bảo Anh.
Thư cảm ơn
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), Báo Người Lao Động tại TP HCM và các văn phòng đại diện ở Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ đã hân hạnh đón tiếp nhiều đoàn khách của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể khối trung ương cùng nhiều trường đại học, bệnh viện, ngân hàng, tập đoàn, doanh nghiệp, bạn đọc… đến thăm, chúc mừng và động viên.
Báo cũng vinh dự nhận được lẵng hoa chúc mừng và sự thăm hỏi, động viên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ TP HCM cùng các tổ chức Công đoàn tại TP HCM...
Chúng tôi chân thành bày tỏ lòng tri ân sâu sắc về sự quan tâm của tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và bạn đọc. Đây là nguồn động viên to lớn để tập thể Báo Người Lao Động tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, giữ vững tôn chỉ, mục đích, ngày càng xứng đáng với sự tin cậy của bạn đọc.
Báo Người Lao Động
Bình luận (0)