Ở Việt Nam, để làm được vai trò giám sát và phản biện, báo chí phải phản ánh các mặt hoạt động của đời sống xã hội một cách chân thật, khách quan và đúng bản chất. Có nghĩa là các tác nghiệp báo chí phải phản ánh được cả về những thành công cũng như những hạn chế, khó khăn và thất bại. Có nghĩa là tác nghiệp báo chí vừa cần ủng hộ sự tiến bộ khách quan và tất yếu trong quản lý kinh tế, xã hội vừa đấu tranh chống lại cách làm việc trì trệ, thụ động, tham nhũng làm giảm sút niềm tin của nhân dân.
Trong quá trình báo chí tham gia phòng chống tham nhũng, chúng ta có thể rút ra được 3 vấn đề. Thứ nhất, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng phòng chống tham nhũng trong sáng và có trách nhiệm với báo chí thì nhiều vụ án lớn khó có thể bị phanh phui.
Thứ hai, các vụ tiêu cực trong chính lực lượng chống tham nhũng sẽ rất khó lòng bị vạch trần trước công luận nếu báo chí thiếu sự ủng hộ tích cực của các cơ quan chức năng.
Thứ ba, nếu báo chí thực sự công tâm, thực sự tôn trọng sự thật và tuân thủ quy định pháp luật thì vừa qua đã không xảy ra những "sản phẩm báo chí" mà nhà báo chính là tác giả - thủ phạm của các vụ tống tiền doanh nghiệp; của các vụ đưa tin sai sự thật về cá nhân, đơn vị chỉ vì thiếu khách quan, thiếu thận trọng, thậm chí vì lợi ích của bản thân.
Khi đặt ra mối quan hệ giữa chống tham nhũng (một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của đất nước), chống đưa tin sai sự thật và trách nhiệm của báo chí vào ngày mà cả xã hội tôn vinh nghề báo - nhà báo, mong rằng cả 3 đối tượng là người làm báo, người quản lý báo chí và bạn đọc nhìn thẳng vào sự thật, đi đến cùng bản chất của sự thật. Có như vậy mới cụ thể hóa chức năng giám sát và phản biện xã hội rất quan trọng và rất cao quý của báo chí; góp phần dựng xây xã hội tốt đẹp hơn, bộ máy nhà nước hiệu quả hơn, cán bộ công chức sẽ gương mẫu hơn trong lối sống và chấp hành pháp luật.
Bình luận (0)