Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong sáng 18-9, trước khi đổ bộ, bão số 5 còn có xu hướng mạnh lên thêm khoảng 1 cấp, tức cấp 10-11, giật cấp 13, tốc độ di chuyển khoảng hơn 20 km/giờ, đổ bộ vào các tỉnh, thành: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Thời gian vàng chống bão
Chiều 17-9, đoàn công tác của trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 5 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Kiểm tra tàu thuyền tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Quảng Trị phải bảo đảm an toàn cho người dân, tập trung rà soát tàu thuyền còn ở trên biển, sắp xếp tàu thuyền an toàn tại các khu neo đậu, đưa người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào trong đất liền, không để người dân ở lại trên tàu thuyền.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Quảng Trị cần chú ý đến công tác hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, kiên quyết và khẩn trương di dời những hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; bảo đảm an toàn cho các công trình đang xây dựng, trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học.
Trưa cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến Thừa Thiên - Huế để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 5. Kiểm tra trực tiếp tại khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Thuận An, huyện Phú Vang, Phó Thủ tướng khẳng định rằng cơn bão này đi khá nhanh và mạnh nên đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế khẩn trương triển khai ứng phó, không được chủ quan. "Đây là khoảng thời gian "vàng" để các đồng chí giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngay trong chiều, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam… đã có công văn chỉ đạo cho học sinh các cấp nghỉ học ngày 18-9 để tránh bão.
Ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế di dời tàu thuyền tránh bão vào chiều 17-9Ảnh: QUANG NHẬT
Sơ tán khẩn cấp
Tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống bão số 5 chiều 17-9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cho biết dự kiến toàn thành phố sẽ sơ tán 19.215 hộ dân với 62.570 người đến nơi trú ẩn an toàn để tránh bão.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, yêu cầu các ngành, địa phương phải thực hiện kế hoạch sơ tán người dân trước 20 giờ cùng ngày để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, ông Minh yêu cầu các ngành, địa phương tiến hành cấm đường toàn thành phố từ 23 giờ ngày 17-9 để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Đối với các công trình thi công bằng tháp và cẩu, phải hạ tháp và cẩu, hoàn thành trước 18 giờ ngày 17-9.
Để bảo đảm an toàn cho người dân, tỉnh Quảng Trị dự kiến sẽ tiến hành di dời khẩn cấp gần 100.000 người thuộc 125 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Các công trình hồ, đập chứa nước trên địa bàn đã được kiểm tra, rà soát hiện trạng, sẵn sàng đón lũ. Đối với 1.000 ha lúa hè thu chưa thu hoạch kịp, tỉnh này vận động người dân khẩn trương thu hoạch với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo tạm dừng khai thác máy bay tại sân bay Chu Lai từ 4 giờ đến 18 giờ ngày 18-9; dừng khai thác máy bay tại sân bay Đà Nẵng từ 5 giờ đến 20 giờ; tại sân bay Phú Bài từ 6 giờ đến 21 giờ cùng ngày.
Nhiều tàu đánh cá ở vùng nguy hiểm
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, đến đầu giờ chiều 17-9, đã có 6.333 tàu thuyền và 21.437 ngư dân vào bờ tránh trú an toàn. Vẫn còn 226 phương tiện, với hơn 1.500 ngư dân đang trên biển. Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đang tiếp tục liên lạc kêu gọi số phương tiện trên vào bờ tránh trú bão.
Trong khi đó, dù đã liên tục thông báo từ trước nhưng đến chiều cùng ngày, tại tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn 701 tàu, với 6.120 lao động hoạt động trên biển. Cụ thể: Vùng biển quần đảo Hoàng Sa có 106 tàu/710 lao động; vùng biển quần đảo Trường Sa 185 tàu/3.089 lao động; vùng biển các tỉnh phía Bắc 70 tàu/438 lao động; vùng biển các tỉnh phía Nam 137 tàu/773 lao động; vùng biển tỉnh Quảng Ngãi 203 tàu/1.110 lao động...; tỉnh Quảng Nam còn 177 tàu/3.433 lao động đang hoạt động trên biển.
Bình luận (0)