Ngày 20-10, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM tổ chức hội nghị đối thoại Kế hoạch sử dụng đất 5 năm, 2021-2025. Tại đây, đơn vị tư vấn là Trung tâm Điều tra và Quy hoạch đất đai - Tổng cục Quản lý đất đai đã thuyết minh kế hoạch để các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp... trao đổi ý kiến.
Chưa đúng thực tế
Phát biểu tại hội nghị, ông Trà Ngọc Phong, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, nhận xét thực tế bố trí đất lúa cho các huyện không đúng với hiện trạng.
Theo ông Phong, lập kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 mà quận Bình Thạnh vẫn còn đất lúa là không phù hợp với thực tế. "Hiện nay chỉ còn huyện Củ Chi trồng lúa và một số ít ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Riêng huyện Hóc Môn với tốc độ phát triển như bây giờ thì diện tích cũng giảm rất nhiều" - ông Phong nói và kiến nghị cân đối lại chỉ tiêu này cho phù hợp với tình hình thực tế thành phố. Đồng thời, khi lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, Sở TTN-MT cần tham mưu UBND TP HCM đề xuất Chính phủ giảm chỉ tiêu đất trồng lúa để các huyện "dễ thở hơn".
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại hội nghị
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng TN-MT huyện Bình Chánh, cho rằng dự kiến phân bổ đất chuyên trồng lúa nước cho huyện là 2.700 ha, hơn gấp đôi so với kế hoạch sử dụng đất kỳ trước. Tuy nhiên, người dân đang băn khoăn vì trồng lúa nước không hiệu quả.
"Bây giờ 2.700 ha nữa thì không phù hợp thực tế sử dụng. Đề nghị đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát cụ thể, đánh giá thổ nhưỡng đối với một số quận, huyện. Phân khai (hay phân bổ chỉ tiêu - PV) nhiều nhưng thực tế thì nơi đó không có hệ thống tưới tiêu. Như thế chỉ có thể gò ép vào để đủ diện tích đất trồng lúa mà không hiệu quả" - bà Thảo nhắc lại.
Đại diện Phòng TN-MT các huyện Hóc Môn và Củ Chi cho rằng địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, phấn đấu lên quận nên cần cân đối lại việc phân bổ đất cho phù hợp.
Ở khối sở, ngành, đại diện Sở Y tế TP HCM băn khoăn theo kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 thì đất y tế thành phố là 665 ha. Tuy nhiên, báo cáo của đơn vị tư vấn thể hiện đến năm 2025, diện tích đất y tế còn 449 ha, tức giảm gần 200 ha. "Hiện nay ngành y tế đang thiếu đất mở rộng bệnh viện, xây mới bệnh viện. Chúng tôi kiến nghị giữ nguyên con số theo quyết định được phê duyệt trước đây là 665 ha" - vị này nói.
Rà soát kỹ nội dung
Giải đáp thắc mắc của Sở Y tế, phía đơn vị tư vấn cho biết thực tế đất dành cho y tế không giảm mà vì quy hoạch trước đây không thực hiện được. Hiện trạng đất y tế thành phố là 310 ha, trong kỳ kế hoạch sử dụng đất này (2021-2025) tiếp tục bổ sung 139 ha và đạt 449 ha. "Số liệu trước là theo quy hoạch nhưng không thực hiện được nên Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh chỉ tiêu này để bảo đảm đến năm 2025 tăng 139 ha" - đại diện đơn vị tư vấn giải thích.
Phản hồi ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Võ Công Lực, Trưởng Phòng Quản lý đất Sở TN-MT, cho hay khi xây dựng Kế hoạch sử dụng đất 5 năm sẽ cố gắng bảo đảm phù hợp tình hình thành phố chứ không chỉ căn cứ vào khung cố định được phân bổ. Theo lộ trình thì sở sẽ trình kế hoạch sử dụng đất lên UBND TP HCM vào cuối tháng 10. Vấn đề nào còn vướng thì các đơn vị phối hợp để giải quyết.
Như nhiều địa phương, huyện Củ Chi cũng cho rằng cần cân đối lại việc phân bổ đất cho phù hợp
Phát biểu kết luận, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh để bảo đảm thời gian, tiến độ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm, các quận, huyện và TP Thủ Đức cùng sở, ngành rà soát lại toàn bộ nội dung liên quan tới địa bàn, đặc biệt là danh mục dự án.
Chỉ tiêu phân bổ có nội dung nào chưa chính xác, bất cập muốn kiến nghị thì đơn vị ý kiến ngay bằng văn bản. Sở TN-MT sẽ tập hợp đầy đủ, nội dung nào thiếu, sai sót thì điều chỉnh cho đúng. "Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để rà soát kỹ các nội dung, bảo đảm có kế hoạch sử dụng đất đúng và trúng, đầy đủ nội dung để trình UBND TP HCM, Ban Thường vụ Thành ủy trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Chúng tôi mong muốn làm tốt các nội dung để có sản phẩm kế hoạch sử dụng đất cấp thành phố mang tính khả thi nhằm tổ chức thực hiện, phục vụ sự phát triển của thành phố" - ông Nguyễn Toàn Thắng nói.
Lộ trình đất trồng lúa đến năm 2025
Trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm, quận Bình Thạnh hiện có 123 ha đất lúa, lộ trình đến năm 2025 giảm còn 97 ha; TP Thủ Đức từ 885 ha sẽ giảm còn 440 ha; quận Bình Tân từ 508 ha giảm còn 378 ha; huyện Củ Chi từ 7.295 ha giảm còn 4.527 ha; huyện Hóc Môn từ 1.781 ha giảm còn 1.342 ha; huyện Bình Chánh từ 4.828 ha giảm còn 2.745 ha. Riêng huyện Nhà Bè và Cần Giờ còn hơn 190 ha và đến năm 2025 sẽ không còn đất trồng lúa.
Không tính sai
Liên quan tới đất ở nông thôn của huyện Bình Chánh, bà Nguyễn Thị Thảo thông tin địa phương đã có hơn 1.200 ha đất loại này. Tuy nhiên, dự kiến phân bổ cho huyện đến năm 2025 có 833 ha, tức hiện trạng đã cao hơn kế hoạch phân bổ. Điều này gây khó cho địa phương, đặc biệt là việc chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ gia đình. Vì vậy, đại diện huyện Bình Chánh đề nghị đơn vị tư vấn cân đối lại chỉ tiêu diện tích này.
Phản hồi, đại diện đơn vị tư vấn cho biết đây không phải là sai sót. Vị đại diện khẳng định đó là quá trình tính toán việc chuyển dịch đô thị hóa với đất ở nông thôn chuyển sang đất ở đô thị...
Bình luận (0)