Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết mỗi ngày có hàng chục tàu gỗ, cao điểm có tới gần 100 chiếc, công khai hoạt động mà không bị lực lượng chức năng xử lý. Các phương tiện khai thác thủy sản trái phép phần lớn là tàu dài dưới 12 m, không mang biển kiểm soát (BKS).
Đủ kiểu vi phạm
Theo đại diện Ban Quản lý vịnh Hạ Long, hoạt động khai thác thủy sản trái phép này vi phạm quy định về đánh bắt thủy sản; Chỉ thị số 18 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về quản lý, khai thác, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Đặc biệt, hoạt động bất hợp pháp này còn vi phạm quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Hoạt động khai thác thủy sản bằng các phương thức tận diệt này còn gây ô nhiễm môi trường nước; hủy hoại hệ sinh thái đáy biển, nhất là hệ sinh thái rạn san hô…
Các phương tiện tàu cá khai thác thủy sản bằng công cụ tận diệt bị Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ
Dù các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã căng mình ngăn chặn nhưng hoạt động khai thác thủy sản bằng công cụ gây hại cho môi trường vẫn diễn ra đáng báo động. Gần đây nhất, vào 7 giờ 30 phút ngày 24-6, Đội Tuần tra kiểm soát Hải đội 2 của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh khi tuần tra tại khu vực biển thuộc phường Bãi Cháy, TP Hạ Long đã phát hiện, bắt giữ 1 phương tiện tàu vỏ gỗ mang BKS QN 3503-TS, có hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản. Cùng ngày, lúc 9 giờ, tại khu vực phía Đông Nam Đầu Tán, thuộc vùng biển Vĩnh Thực, TP Móng Cái, Đội Tuần tra kiểm soát Hải đội 2 tiếp tục phát hiện, bắt giữ 2 phương tiện tàu vỏ gỗ BKS QN 0579-TS và BKS QN 0872-TS có hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản.
Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, Hải đội 2 đã bắt giữ 80 vụ/81 phương tiện/194 đối tượng có hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Ninh cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng, UBND các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt 238 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 3 tỉ đồng; tịch thu, tiêu hủy 5 kích điện, 11 cào đáy, 30 m lưới chã, 146 dây lồng bát quái, 18 bộ đồ lặn, 18 bộ ống hơi.
Trước tình trạng gia tăng hoạt động đội tàu giã cào đánh bắt thủy sản tận diệt trên biển, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã có văn bản "kêu cứu" tới UBND tỉnh Quảng Ninh, đề nghị chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết để trốn tránh lực lượng chức năng, hoạt động khai thác thủy sản tận diệt bằng nghề cấm, ngư cụ cấm diễn ra ngày càng tinh vi. Ngư dân sử dụng nhiều dụng cụ tận diệt như lồng bát quái, lưới te, càng te, cào sắt, kích điện, súng bắn điện, cào đáy…
Tăng cường tuần tra, xử lý
Đại diện Sở NN-PTNT cho biết bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép thủy sản còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, nổi lên là cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát còn rất thiếu, nhất là ở các địa phương, vì vậy không bảo đảm cho việc duy trì các hoạt động tuần tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Số lượng tàu cá lớn, 6.005 tàu nhưng có đến 5.216 tàu - chiếm 86% tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh - khai thác ven bờ, gây áp lực lớn lên nguồn lợi thủy sản ven bờ, đặc biệt trong vùng biển vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Trong khi đó, số tàu khai thác vùng lộng và xa bờ tăng trưởng chậm, chỉ 14%.
Lực lượng Cảnh sát biển Vùng 1 tuyên truyền chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU)
"Vùng biển tỉnh Quảng Ninh nói chung và vịnh Hạ Long nói riêng có rất nhiều đảo, vịnh, hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề cấm, ngư cụ cấm diễn ra ngày càng tinh vi để trốn tránh lực lượng chức năng. Trong khi đó, hoạt động của cơ quan chức năng phải công khai và chủ yếu trong giờ hành chính nên đối tượng vi phạm dễ dàng theo dõi, thông báo cho nhau để né tránh, lẩn trốn khiến việc phát hiện và bắt giữ quả tang… rất khó khăn. Lực lượng kiểm ngư tỉnh Quảng Ninh có 2 tàu tuần tra, chúng tôi nổ máy từ bờ là ngư dân biết và báo nhau tìm cách né tránh. Thậm chí khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng là họ phi tang" - ông Đỗ Đình Minh cho biết.
Để ngăn chặn, trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh cùng các lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và có các hành động cụ thể, thiết thực, cùng chung sức bảo vệ nguồn lợi thủy sản… Đồng thời, tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt vi phạm mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản và gây hại môi trường.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề, nâng cấp tàu nghề ra khơi bám biển, phát triển thủy sản bền vững.
Bình luận (0)