Năm 2019, TP HCM có 42 vị trí nguy cơ sạt lở, trong đó phần lớn đều có các dự án kè được triển khai. Thế nhưng, hiện nguy cơ sạt lở vẫn cao bởi theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM, từ đầu tháng 4, TP đã bước vào giai đoạn mực nước chân triều cường rút thấp nhất trong năm và sẽ kéo dài đến tháng 9. Đây là thời điểm có nguy cơ sạt lở cao nhất trong năm.
Bất chấp cảnh báo
Trong khi các địa phương và nhiều đơn vị liên quan đang gấp rút kiểm tra, rà soát toàn bộ vị trí có nguy cơ sạt lở trên địa bàn TP HCM nhằm phân loại, lên phương án giải quyết thì tại nhiều nơi, không ít hộ dân vẫn bất chấp những cảnh báo.
Ven sông Sài Gòn đoạn qua các quận 2, Thủ Đức, Bình Thạnh..., nhiều nơi dù đã có những bảng cảnh báo khu vực sạt lở nhưng quanh đó, việc sinh hoạt, thậm chí kinh doanh, vẫn diễn ra bình thường. Từ cầu Bình Lợi chạy dọc về phía thượng lưu sông Sài Gòn (quận Thủ Đức), hàng trăm căn nhà, hàng quán vẫn xây dựng sát mép sông. Trong đó, nhiều đoạn dù có biển cảnh báo sạt lở nhưng kế bên, các quán cà phê, quán ăn... vẫn buôn bán.
Nhiều căn nhà, hàng quán xây dựng sát mép sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu thuộc địa bàn quận Thủ Đức
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hầu hết tuyến sông chính trên địa bàn TP HCM đều tồn tại những khu vực có nguy cơ sạt lở, nhất là sông Sài Gòn và các kênh rạch qua địa bàn hai huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Theo chu kỳ, vào khoảng giữa năm, triều cường lên đỉnh và rút rất nhanh, cộng với thời điểm mùa mưa khiến nguy cơ sạt lở càng lớn. Ở những đoạn bờ sông gấp khúc, mật độ phương tiện thủy cao nên khi thủy văn biến động mạnh thì gây ra những hố xoáy xói mòn vào đất liền. Một nguyên nhân cũng tác động không nhỏ là tình trạng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch, khai thác cát trái phép... làm biến đổi dòng chảy. Thực trạng trên không được giải quyết triệt để, dẫn đến hiện tượng sạt lở vẫn luôn phức tạp.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM vừa đề nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan quản lý chặt hoạt động tại các cảng, bến thủy nội địa để bảo đảm an toàn, chống sạt lở. Với những trường hợp vi phạm như xây dựng sai phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh rạch..., cần phối hợp với các địa phương để xử lý, cưỡng chế tháo dỡ ngay. Với những dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM làm chủ đầu tư, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP đề nghị đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác. Ngoài ra, cần rà soát và duy tu các tuyến kè đã xuống cấp.
Cấp bách triển khai nhiều dự án
Một cán bộ Sở GTVT TP HCM cho biết khó khăn ở các công trình chống sạt lở vẫn là công tác giải phóng mặt bằng chậm. Tại một số vị trí có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, phải thi công công trình khẩn cấp, phương án ưu tiên được các cơ quan thực hiện là vận động, di dời người dân và quản lý, bảo vệ tài sản của họ. Có những nơi, các hộ dân đồng tình song vẫn không ít trường hợp không chịu di dời. Chưa kể hiện nay, với tình trạng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch, trách nhiệm xử lý vi phạm liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Sở GTVT chỉ quản lý những tuyến sông, kênh rạch có chức năng giao thông thủy; còn lại do các cơ quan khác như Sở Xây dựng, chính quyền địa phương...
Liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM vừa đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường của các dự án kè chống sạt lở để thi công dứt điểm. Kế đến, các bên cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép, đặc biệt là ở những "điểm nóng" trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và ven biển Cần Giờ.
Trong khi đó, tại huyện Cần Giờ - một trong những nơi có tình trạng sạt lở phức tạp, UBND TP HCM vừa chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương này xử lý cấp bách trong giai đoạn 2020-2023. UBND TP HCM thống nhất với đề xuất của huyện Cần Giờ về việc đầu tư 8 dự án kè phòng chống sạt lở bờ sông, bảo vệ khu dân cư trên địa bàn trong giai đoạn 2020-2023 bằng vốn ngân sách TP. UBND TP HCM yêu cầu UBND huyện Cần Giờ chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện (chủ đầu tư) khẩn trương khảo sát, lập hồ sơ dự án, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để sớm triển khai thi công. Trong quá trình triển khai, huyện Cần Giờ phải chịu trách nhiệm kiểm tra, chủ động các biện pháp xử lý cấp bách những vị trí xung yếu, phòng chống sạt lở, triều cường...; tuyệt đối không để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến người dân.
Tại quận Thủ Đức, UBND TP HCM cũng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chống sạt lở bờ tả sông Sài Gòn ở phường Hiệp Bình Phước, với tổng chiều dài 480 m. Ngoài việc chống sạt lở, ngăn triều cường, dự án này còn nhằm chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan xung quanh. UBND TP HCM giao các sở, ngành và đơn vị liên quan tham mưu về việc bố trí vốn ngân sách cho dự án, đồng thời thực hiện nhanh các thủ tục để sớm triển khai thực hiện.
Kiểm soát chặt giao thông đường thủy
Sở GTVT TP HCM vừa đề nghị Công an TP chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, kiểm soát các phương tiện thủy, đặc biệt là xử lý tình trạng chở quá tải và các bến thủy nội địa hoạt động không phép. Các địa phương cũng cần xử lý triệt để các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng không an toàn, không phép...
Sở GTVT TP HCM cũng đã giao các đơn vị trực thuộc phối hợp kiểm tra, bảo đảm trật tự an toàn đường thủy, nhất là ở các công trình thi công trên các tuyến đường thủy nội địa.
Bình luận (0)