Nguyên nhân tình trạng mù khô ở TP HCM được Viện Môi trường và Tài nguyên - ĐHQG TP HCM kết luận chủ yếu liên quan đến vụ cháy rừng ở Indonesia. Tác nhân phụ là do độ ẩm trong không khí tăng cao và khói thải của các nhà máy, KCN và phương tiện giao thông. Còn ở Hà Nội, các chuyên gia cũng đánh giá chủ yếu là tình trạng xả thải (khói, bụi, hơi, hóa chất...) của các nhà máy cùng tình trạng giao thông quá đông đúc, các công trình xây dựng quá nhiều nên lượng bụi rất lớn...
Ở Indonesia, gần 900.000 người dân nước này bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do ảnh hưởng của khói mù từ các vụ cháy rừng và than bùn bao phủ nhiều khu vực trên các đảo Borneo và Sumatra trong vài tháng qua. Khói mù đã lan rộng, ảnh hưởng đến chất lượng không khí cả ở Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Trước khi tình trạng ô nhiễm không khí xảy ra ở diện rộng với cảnh báo có hại cho sức khỏe, tình trạng ô nhiễm môi trường đã diễn ra nhiều nơi trên đất nước ta. Những ai đã từng đến các làng nghề làm giấy, làm bún, tái chế nhựa, thu gom phế thải..., đều dễ dàng nhận thấy hầu hết nước thải xả thẳng ra môi trường, không qua xử lý khiến dòng chảy bị ô nhiễm nặng nề, bốc mùi hôi thối, ao hồ không thể nuôi cá. Trong không gian sống là bụi, tiếng ồn, khói độc bao phủ. Nhiều người dân đã bị nhiều loại bệnh do sống trong môi trường đó, kể cả những bệnh nan y như ung thư. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội, có đến 46% trong số 5.400 làng nghề cả nước có môi trường bị ô nhiễm nặng.
Nay thêm tình trạng ô nhiễm không khí trên diện rộng cùng những tác nhân biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, vấn đề cải thiện môi trường sống càng trở nên bức bách với nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân hàng đầu gây ra ô nhiễm môi trường, không ai khác chính là con người. Con người thiếu ý thức bảo vệ môi trường, đã trực tiếp và gián tiếp phá hoại môi trường. Từ đó, tác động trở lại đến cuộc sống, tuổi thọ của con người, không chỉ trong cộng đồng nhỏ mà lan rộng ra cả một khu vực, một quốc gia.
Dù nguyên nhân nào đi nữa, cũng phải cấp bách giữ gìn, cải tạo, cứu lấy môi trường. Giữ môi trường sống xanh sạch, không khí trong lành không phải là mơ ước xa vời nếu con người biết yêu quý cuộc sống, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, không vì những mục đích nhất thời mà xâm hại môi trường sống của chính mình.
Hãy lấy những bài học về tác hại khi tàn phá môi trường, nhất là phải trả giá bằng sinh mạng hàng trăm ngàn người qua các trận thiên tai mỗi năm trên thế giới, để làm gương, soi vào để đổi thay nhận thức. Bao giờ người dân các đô thị lớn ở Việt Nam ra đường không phải che kín gương mặt trong những chiếc khẩu trang? Bao giờ những dòng chảy được khơi thông, không còn nổi váng, bốc mùi quanh các làng nghề? Đó không chỉ là câu hỏi nhức nhối mà còn là đòi hỏi phải cải thiện để người dân có cuộc sống tốt đẹp, an toàn hơn.
Bình luận (0)