xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo hành đường, tại sao không?

Phạm Hồ

"Bảo hành 10 năm đối với các gói thầu dự án đường cao tốc Bắc - Nam do đơn vị thi công". Chỉ một dòng tin ngắn trong công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải của Tập đoàn Sơn Hải đã lập tức gây sự chú ý của dư luận.

Để thuyết phục cho cam kết của mình, Tập đoàn Sơn Hải dẫn chứng đối với những con đường mình đã thầu thi công trên cao tốc Bắc - Nam, ký công văn gửi cơ quan chức năng và mời người dân giám sát. Kiểm tra những cam kết này không khó và cũng nên kiểm tra để loại trừ những hoài nghi doanh nghiệp "đánh bóng tên tuổi". Con đường thì sờ sờ ra đó, nếu bị hư hỏng sẽ cuốn trôi theo uy tín của doanh nghiệp.

Bảo hành công trình mình thi công lẽ ra là việc bình thường. Việc này nhằm bảo đảm uy tín của doanh nghiệp, làm tròn trách nhiệm đối với nhà đầu tư để qua đó cho thấy sự xứng đáng với lợi nhuận kinh doanh mình kiếm được. Thế nhưng, rất ít doanh nghiệp dám cam kết bảo hành dài hạn đường giao thông nên giờ đây đã trở thành vấn đề lạ lẫm đối với xã hội.

Thực tế cho thấy nhiều tuyến đường, kể cả quốc lộ (QL), sau thời gian vận hành không lâu đã xuống cấp nghiêm trọng. Cách đây hơn tuần, Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định có công văn yêu cầu những đơn vị thi công các tuyến QL 1, QL 1D và QL 19 đi qua tỉnh này gấp rút khắc phục các hư hỏng, bất cập trên đường để bảo đảm an toàn cho người dân. Trước đó, vào năm 2020, một số tuyến đường qua tỉnh này cũng bị hư hỏng nặng và UBND tỉnh phải chỉ đạo khắc phục gấp.

Tai tiếng nhất là tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Con đường 139 km có mức đầu tư 34.500 tỉ đồng này vừa làm xong đã hư hỏng thảm hại. Báo chí phản ánh thì lãnh đạo VEC lúc đó giải thích lòng vòng rằng chỉ hư hỏng "cục bộ". Cơ quan điều tra vào cuộc phát hiện hàng loạt sai phạm và đã khởi tố, xét xử 36 bị cáo liên quan. Di chứng của tuyến cao tốc này đến nay vẫn còn và chắc hẳn không ai nhớ nổi những cam kết của chủ đầu tư và đơn vị thi công về chất lượng con đường này.

Hàng loạt tuyến đường khác ở nhiều địa phương cũng bị hư hỏng không kém nhưng khi truy trách nhiệm thì đơn vị thi công cứ lảng tránh. Đường bị lún thì đơn vị thi công và cả chủ đầu tư biện minh rằng do nắng nóng; đường sạt lở, bong tróc thì lý giải là do mưa lớn; đường đầy "ổ voi" thì nói do xe quá tải… Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng tốt, mưa nhiều và mỗi năm nhận hơn chục cơn bão. Đường giao thông mà sợ nắng, sợ mưa thì làm sao phục vụ vận tải?

Chúng ta đang ở giai đoạn gấp rút phát triển giao thông để phục vụ phát triển kinh tế liên vùng. Trong đề án phát triển giao thông của Chính phủ đã nêu rõ chỉ riêng đường cao tốc, đến năm 2030 phải đạt mục tiêu 5.000 km. Không cần bàn cãi, làm đường giao thông là phải bảo đảm chất lượng. Suất đầu tư không hề rẻ, cả ngàn tỉ đồng/km nên không thể chấp nhận sử dụng vài năm lại hỏng.

Việc buộc nhà thầu thi công bảo hành dài hạn con đường mình làm là việc nên làm. Bản cam kết của Tập đoàn Sơn Hải là một gợi ý hữu ích. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo