Sáng nay 10-10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về công tác ứng phó bão số 7 và ứng phó bão số 8, mưa lũ sau bão.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp khẩn ứng phó bão số 7 và mưa lũ
Hiện nay bão Kompasu đang hoạt động ở phía Đông đảo Luzon (Philippines). Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 11-10, vị trí tâm bão cách đảo Luzon khoảng 210 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 9-10, giật cấp 12 và tiếp tục mạnh thêm.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão Kompasu là một cơn bão mạnh khi ở trên biển (cấp 10-11), di chuyển nhanh, khi vào Biển Đông sẽ là cơn bão số 8. Bão có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ trong khoảng ngày 13 và 14-10 và có thể gây ra một đợt mưa lớn. Sau đó, ngày 16 đến 17-10 sẽ xuất hiện một áp thấp nhiệt đới hoặc bão khác trên Biển Đông.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan dù bão số 7 được dự báo đã suy yếu. Đối với cơn bão số 8, các cơ quan liên quan phải bám sát diễn biến của bão để có cảnh báo, ứng phó. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển rất nhanh. Vậy giải pháp an toàn cho dân thế nào trong bối cảnh những ngày qua khu vực bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa rất nhiều. Các địa phương phải khẩn trương rà soát những điểm xung yếu, có nguy cơ mất an toàn hồ đập, đê điều.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, lực lượng lao động lên tới 26.000 người từ một số tỉnh phía Nam đang di chuyển trên tuyến đường bộ qua khu vực miền Trung có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và sức khỏe, nhất là phụ nữ và trẻ em trên phương tiện xe máy, ôtô hoặc đi bộ.
Do đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Ban chỉ đạo và các cơ quan có liên quan cần có giải pháp chặt chẽ phối hợp với các địa phương để thông báo cho đoàn người di chuyển phải dừng lại trước khi bão số 8 đổ bộ. Các địa phương nơi có người dân đi qua phải có phương án hỗ trợ người dân ăn nghỉ và trú tránh để sau khi bão tan mới tiếp tục cho dân di chuyển tiếp để đảm bảo an toàn.
"Trong bối cảnh người dân tiền không có, lương thực cũng cạn, giờ đi đường gặp bão rất nguy hiểm. Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giúp dân"- Phó Thủ tướng yêu cầu.
Để góp phần đảm bảo an toàn việc di chuyển lực lượng lao động qua vùng có thiên tai đang và sẽ xảy ra trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai vừa có văn bản đề nghị Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An chỉ đạo việc hỗ trợ cũng như thông tin tới các lực lượng lao động có nhu cầu di chuyển biết được diễn biến của bão lũ; có kế hoạch, phương án di chuyển đảm bảo an toàn.
Bình luận (0)