Nhà văn hóa thôn trở thành nhà tang lễ
Xóm Núi là điểm bị thiệt hại nặng nhất trong thảm họa sạt lở núi với 6 người chết, 1 người mất tích và 10 người bị thương nặng.
Nhà Văn hóa thôn Thành Phát ngày thường dành cho hội họp, vui chơi, giờ đây trở thành nhà tang lễ cho những người xấu số khi chẳng còn nhà để làm lễ tang. Bước đến đây ai cũng có cảm giác lành lạnh với nghi ngút khói hương trên 5 bàn thờ xếp hàng, bên trên là di ảnh của 6 người đã tìm thấy thi thể và cả di ảnh ông La Hăng (SN 1948) chưa tìm thấy xác.
Anh Lê Kim Phát sụt sùi kể về cái chết của cả cha và mẹ anh
Những tiếng khóc đứt quãng xen lẫn trong những câu chuyện xé lòng về thảm cảnh mà người dân xóm Núi gánh chịu.
Bên bàn thờ cả cha với mẹ là ông Lê Kim Lương (SN 1957) và bà Đỗ Thị Bốn (SN 1963), anh Lê Kim Phát kể lại trong nước mắt: "Sáng ấy em vội đi trực bảo vệ cho khách sạn. Đến tận gần 10 giờ em đọc báo mới biết xóm em ở đã bị san bằng vì sạt lở núi. Em vội chạy về thì nghe bà con bảo cả cha mẹ em đều đã chết. Em sững sờ như không thể tin vào mắt mình nữa". Anh Phát run run nhận 5 triệu đồng từ Báo Người Lao Động rồi lắp bắp: "Em gom góp để kiếm chỗ nho nhỏ xây lại cái nhà có chỗ thờ cha mẹ chứ đâu để ở đây mãi được".
Cô gái Trần Thị Nhẫn giận mình không cứu được mẹ
Ở bàn thờ bên kia, cô gái 23 tuổi Trần Thị Nhẫn cứ sụt sùi khóc. "Em giận má lắm. Lúc đất đá đổ ào xuống, má ngã trước, em nắm được tay má rồi, nhưng má bảo thả tay má ra chứ không 2 má con đều chết. Rồi má giật mạnh tay để trôi đi" – Cầm 2 triệu đồng tiền hỗ trợ của Báo Người Lao Động trong tay, Nhẫn òa khóc rồi nhìn lên di ảnh bà Trần Thị Đáo bằng ánh mắt vừa thương vừa trách.
Nữ thôn trưởng Cao Thị Diệu An bị thương nặng khi kêu gọi mọi người chạy tránh
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, rất nhiều người đến thăm bà Cao Thị Diệu An, Trưởng thôn Thành Phát đang cấp cứu tại đây. Hôm xảy ra thảm họa, thấy mưa to, nguy cơ sạt lở núi, bà An vội vã leo lên xóm Núi gọi mọi người bỏ chạy. Nhiều người nhờ đó thoát thân. Tuy nhiên, khi bà đang kêu vợ chồng ông La Hăng ra ngoài thì đất đá đổ ập xuống, cuốn cả vợ chồng ông Hăng và bà An xuống phía dưới. Vợ ông Hăng đã tìm thấy xác, còn ông Hăng vẫn chưa. Riêng bà An được mọi người trong xóm cứu lên đưa đi cấp cứu với đầy vết thương trên người, bị gãy tay trái, gãy xương chậu, xẹp 3 đốt sống. Bà An chỉ mới tỉnh dậy vào chiều qua. "Khi vừa mở mắt, má em không hỏi gì về mình mà lại hỏi: Vợ chồng ông Hăng sao rồi" – con trai cả đang chăm sóc cho bà An kể khi nhận 2 triệu đồng hỗ trợ của Báo Người Lao Động.
Báo Người Lao Động trao tiền hỗ trợ tại điểm trường tiểu học Phước Thượng còn ngập trong bùn đất
Trong khi đó, tại điểm trường tiểu học Phước Thượng thuộc Trường Tiểu học Phước Đồng, sau 4 ngày xảy ra sạt lở núi, khung cảnh tan hoang vẫn hiện diện nơi đây. Các cô vẫn đang dọn dẹp đống đổ nát, thuê cả xe múc để dọn bùn. Phía ngoài đường là hàng đống giáo án, sách vở giờ phải bỏ để chờ bán phế liệu. Cô Đặng Thị Miên, Hiệu phó phụ trách điểm trường này, bảo rằng may là hôm đó chủ nhật, nếu không thì với bùn đất bất ngờ đổ ập xuống trường, dày hơn 1,5m, thì 5 giáo viên và gần 200 học sinh nơi đây đã bị chôn sống. Vậy nhưng 1 học sinh trường này không may cũng đã thiệt mạng khi đang ở nhà. Nhận 17 triệu đồng từ Báo Người Lao Động, cô Miên mừng rỡ bảo rằng vậy là đã có tiền để mua lại sách vở cho học sinh vì toàn bộ học sinh ở điểm trường này chẳng còn quyển sách, quyển vở nào để học.
Giáo án giờ chỉ còn là đống giấy loại
Trong đợt này, 35 triệu đồng từ nguồn quỹ công tác xã hội Báo Người Lao Động đã được trao tận tay cho các gia đình có người chết, mất tích, bị thương ở xóm Núi và điểm trường tiểu học Phước Thượng, xã Phước Đồng như sự chia sẻ nỗi đau quá lớn mà người dân nơi đây phải gánh chịu.
Bình luận (0)