Ngày 24-8, nhân dịp thực hiện chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" trao tặng 15.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Bình Định; kỷ niệm 230 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung (1792 – 2022), Đoàn công tác Báo Người Lao Động do ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập, làm trưởng đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, Bình Định).
Đoàn công tác dâng hương tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung
Buổi lễ dâng hương, dâng hoa được thực hiện trong không khí trang nghiêm
Tại đây, các thành viên trong đoàn đã thực hiện nghi lễ dâng hoa tại Tượng đài Hoàng đế Quang Trung và dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn tam kiệt để tỏ lòng thành kính và tôn vinh công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, các văn thần, võ tướng triều đại Tây Sơn trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ là vị vua thứ 2 của nhà Tây Sơn - một thiên tài quân sự kiệt xuất, một nhà chính trị khôn ngoan, mưu lược,... Ông là nhân vật chủ chốt của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn lật đổ Chúa Nguyễn ở đàng trong. Ông cùng các anh em mình là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ được dân chúng thời bấy giờ gọi là anh em nhà Tây Sơn, đã lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn.
Buổi lễ dâng hương nhân kỷ niệm 230 năm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung (1792 - 2022)
Hoàng đế Quang Trung là nhân vật chủ chốt của triều đại Tây Sơn, là một thiên tài quân sự kiệt xuất, một nhà chính trị mưu lược
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn tam kiệt
Các thành viên trong đoàn công tác dâng hương tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung và các vị văn thần, võ tướng của triều Tây Sơn
Cuộc khởi nghĩa nông dân do anh em nhà Tây Sơn lãnh đạo đã thành công rực rỡ, lập nên một triều đại Quân chủ, chấm dứt hơn 200 năm nội chiến đẫm máu giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, đánh bại nhà Hậu Lê và các cuộc xâm lược của quân Xiêm La từ phía Nam, quân Đại Thanh từ phía Bắc.
Di tích Điện thờ Tây Sơn tam kiệt được nhân dân đóng góp xây dựng vào năm 1958 trên nền đình Kiên Mỹ, xưa vốn là nền nhà của thân sinh ba ngài Tây Sơn. Tại đình Kiên Mỹ trước kia, dân làng bí mật thờ Tây Sơn tam kiệt cùng các tướng lĩnh và cúng vào dịp lễ thường tân ngày 15 tháng 11 Âm lịch hằng năm.
Đến năm 1979, điện thờ được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Năm 1998, điện thờ được xây dựng lại xứng đáng với sự nghiệp của Tây Sơn tam kiệt.
Bảo tàng Quang Trung được hình thành trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay thuộc thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), quần thể Bảo tàng Quang Trung - Điện thờ Tây Sơn là khu Bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng là một trong những bảo tàng thu hút lượng khách đến tham quan du lịch, học tập nhiều nhất trên đất nước ta hiện nay.
Bình luận (0)