Chiều 28-8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để triển khai công tác ứng phó bão số 4 (tên quốc tế là Podul).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo đến 16 giờ ngày 29-8, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ vĩ Bắc; 110,7 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 120 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ứng phó với bão Podul vào ngày 28-8. Ảnh: VĂN DUẨN
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 30-8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,7 độ vĩ Bắc; 106,5 độ kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cảnh báo do ảnh hưởng của bão số 4, từ đêm 29-8 đến 2-9, ở Bắc Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to; tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình: 250-400 mm; Quảng Trị, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ: 200-300 mm; khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thừa Thiên - Huế: 100-200 mm; khu vực trung du, vùng núi Bắc Bộ, Đà Nẵng: 50-120 mm.
Dự báo vị trí và hướng di chuyển của bão số 4 (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia)
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; ngập lụt tại các khu đô thị, TP như: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa đến Quảng Bình.
Dự báo, chiều tối 30-8, bão số 4 có khả năng đổ bộ vào khu vực ven biển Bắc Trung Bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế và khu vực phí Nam đồng bằng Bắc Bộ; hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng thấp, trũng và ven biển.
Để ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão và mưa lũ do bão.
Căn cứ diễn biến của bão, tình hình cụ thể tại địa phương quyết định thời điểm và tổ chức thực hiện việc cấm biển; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú. Đối với khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị, rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu.
Triển khai phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường ven biển, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ.
Đối với khu vực miền núi, trung du, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn.
Bình luận (0)