Trước khi bão đổ bộ, từ đêm 3-11, các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã có mưa lớn, gió giật mạnh. Khoảng hơn 6 giờ, khi bão đổ bộ với sức gió khủng khiếp khiến nhiều căn nhà, cây xanh ở TP Nha Trang, huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa tốc mái, ngã đổ. Riêng thị xã Ninh Hòa mất điện hoàn toàn.
Tình hình cũng diễn ra tương tự ở Phú Yên khiến tỉnh này hầu như mất điện hoàn toàn. Tại TP Tuy Hòa, gió quần thảo dữ dội quật ngã nhiều cây xanh, bảng hiện, cuốn bay mái nhà dân, giật vỡ cả cửa kính.
Tại Ninh Thuận, mặc dù không bị cơn bão đổ bộ nhưng cũng có gió khá lớn, gây thiệt hại đáng kể tại huyện miền núi Bác Ái – giáp với các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phóng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, sức gió đo được tại huyện này lên đến cấp 11, vào khoảng gần 7 giờ ngày 4-11.
Gió đã làm tốc mái 4 phòng học của Trường Tiểu học Phước Thành B; sập nhà ăn của Trường Mẫu giáo Phước Đại; tốc mái 26 nhà dân ở các xã Phước Bình, Phước Đại, Phước Thành, Phước Chiến, Phước Chính; gãy trụ ăng – ten phát thanh ở một số xã; nhiều ha hoa màu bị ngã rạp.
Do trụ điện ở một số điện phương bị ngã đổ nên toàn huyện Bác Ái bị mất mất điện từ sáng sớm nay.
Một trường học ở huyện Bác Ái bị tốc mái
Huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, được dự đoán là một trong những địa phương có ảnh hưởng nặng nhất bởi cơn bão số 12. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thời tiết nơi đây khá ổn định.
Ông Nguyễn Trung Trực, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, cho biết: "Từ đêm qua đến 6 giờ sáng nay (4-11) thời tiết tốt, khoảng hơn 7 giờ trời xuất hiện mưa và gió nhẹ. Riêng tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ngành chức năng của tỉnh, huyện và cả nhân lực của nhà máy rất chủ động, đảm bảo các phương án phòng chống lụt bão đề ra".
Tại TP Phan Thiết, một trong những khu vực xung yếu dễ bị ảnh hưởng của bão là khu dân cư giáp biển thuộc địa bàn thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành... Hiện nay, sau khi một số hộ dân đã di dời về khu tái định cư thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành thì chỉ còn lại 20 hộ có nhà giáp biển. Các hộ dân đều đã chủ động giằng chống nhà cửa, chuẩn bị các bước để sơ tán khi bão đổ bộ.
Nhìn chung, diễn biến cơn bão số 12 tại tỉnh Bình Thuận vẫn trong tầm kiểm soát, chưa xảy ra tình trạng diễn biến xấu.
Một số hình ảnh ban đầu về bão số 12 tại tỉnh Bình Thuận.
Bình Thuận xuất hiện mưa và gió nhẹ
Gió bắt đầu quật mạnh dần
Ngư dân tích cực neo ngu cụ tránh thiệt hại.
Thu gom lưới chạy bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 12 đổ bộ gây gió mạnh cấp 7, giật cấp 9 ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở An Nhơn (Bình Định), giật cấp 11 ở Tuy Hòa (Phú Yên), Nha Trang (Khánh Hòa). Các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa to, một số nơi có mưa rất to như Quảng Ngãi 115mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 100mm, Tuy Hòa (Phú Yên) 90mm,… Nguy cơ mất an toàn hồ chứa các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa.
Bình luận (0)