TS Hoàng Đức Cường: Bão số 12 sẽ gây mưa rất lớn ở khu vực miền Trung, trong đó có Quảng Nam, Đà Nẵng-Ảnh: Văn Duẩn
Sáng nay 2-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có cuộc họp khẩn ứng phó với cơn bão số 12 có tên quốc tế là Damrey (Con Voi).
Cập nhật tình hình áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) vào khu vực phía nam Cà Mau, TS Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương, cho biết ATNĐ hướng vào phía Nam Cà Mau đã suy yếu thành vùng áp thấp, áp thấp gây ra lượng mưa lớn ở Nam Bộ, đạt ngưỡng 100 mm, lượng mưa đang giảm nhanh trong sáng nay, chủ yếu gây mưa vùng ven biển Sóc Trăng, Kiên Giang, "Riêng khu vực tỉnh Cà Mau lượng mưa không đáng bao nhiêu. Mưa lớn ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên gây đợt lũ báo động 1, 2 có nơi báo động 3; lũ đã đạt đỉnh và đang xuống"- ông Cường cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đức Cường ở thời điểm hiện hay, có hai hình thế thời rất rất nguy hiểm. Thứ nhất là ATNĐ trong sáng nay đã mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 12 và có tên quốc tế là Damrey (Con Voi). Bão đang di chuyển nhanh với tốc độ 20 km/giờ và đang hướng vào miền Trung nước ta.
"Đến 7 giờ sáng nay bão số 12 đang mạnh cấp 8 giật cấp 10, di chuyển hướng Tây. Khi gần vào bờ khả năng cao khả năng chếch xuống phía Nam, Bão di chuyển tương đối nhanh 15-20 km/giờ, khoảng 2 ngày nữa ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Trung Bộ, Nam Trung Bộ".
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương cho biết theo dự báo của nhiều nước trong khu vực, đều đưa ra nhận định bão càng ngày càng mệnh lên, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó chếch xuống phía Nam và sẽ hướng vào đất liền nước ta chứ không chỉ dừng lại trên biển.Trọng tâm khu vực dự kiến bão có thể đổ bộ là phía Nam Trung Bộ. Như vậy, nếu sớm thì đêm 3 hoặc rạng sáng 4-11, bão số 12 tâm vão sẽ vào khu vực bờ biển Nam Trung Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực này.
Vị trí và dự báo đường đi của bão số 12-Nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV trung ương
"Về cường độ, dự báo cơn bão số 12 rất mạnh. Theo dự báo của Hồng Kông, Nhật Bản, cho đến thời điểm này dự báo bão số 12 khi vào bờ nước ta khả năng sẽ mạnh cấp 11, gió giật cấp 14. Còn Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương dự báo khi vào bờ nước ta khả năng sẽ mạnh cấp 10, gió giật cấp 13. Trọng tâm khu vực Nam Trung Bộ, khu vực ảnh hưởng Nam Trung Trung Bộ gồm Quảng Nam, Đà Nẵng"- ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, hiện nay một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống nước ta và dự kiến đến tối ngày 3-11, sẽ xuống tới khu vực vùng biển Trung Bộ, Nam Trung Bộ.Cùng lúc đó, hoàn lưu trước bão đã vào bờ.
"Kết hợp hai hình thế thời tiết nguy hiểm gồm không khí lạnh và bão rất mạnh, sẽ gây gió mạnh, sóng lớn. Đáng ngại là sau gió mạnh sẽ kèm theo mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở đất suốt từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa. Dự báo mưa trong hai ngày 3 và 4-11 mưa tập trung ở Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa; từ 5 đến 7-11 mưa sẽ tiếp tục mở rộng đến Quảng Bình, Nghệ An"- ông Cường lưu ý.
Đặc biệt, về lượng mưa, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương, nhấn mạnh hiện có những đánh giá rất khác nhau, tuy nhiên điều có thể khẳng định là bão sẽ gây mưa rất lớn.
Về định lượng mưa, ông Cường cho biết chưa thể dự báo được trước 4-5 ngày, tuy nhiên có thể khẳng định là bão sẽ gây mưa rất lớn, vùng mưa có thể di chuyển từ Bắc tới Nam, cũng có thể mưa dồn vào một khu vực, đây là điều nguy hiểm. "Có mô hình dự báo quốc tế cho rằng trong 10 ngày tới tổng lượng mưa cả đợt lên tới 1.000 mm. Có mô hình đưa ra dự báo ở mức thấp nhất là 500 mm. Điều đáng ngại là mưa tập trung trong giai đoạn ngắn"- ông Cường nói.
"Mưa lũ có khả năng lên tới báo động 3, không loại trừ trong những ngày tới chúng ta sẽ đối mặt với loại hình thiên tai báo động trên cấp 3" - TS Hoàng Đức Cường cho biết.
Ông Hoàng Đức Cường cũng cho biết rằng tên bão Damrey năm nay cũng trung với tên bão Damrey đã từng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tỉnh Nam Định vào năm 2005 và cũng đã gây thiệt hại khá lớn, đặc biệt là tuyến đê biển.
Ông Trần Quang Hoài, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, yêu cầu các địa phương cần chủ động lên phương án phòng chống bão cụ thể, thông báo tàu thuyền trong khu vực tâm bão biết được thông tin hướng di chuyển của cơn bão. "Các địa phương cần rút kinh nghiệm từ cơn bão số 11, cần triển khai cắt tỉa cành cây tránh tình trạng cây đổ ngã vào nhà dân hoặc tài sản của nhân dân; tập trung lực lượng tại các điểm dễ ngập úng để chủ được xử lý khi nhập lụt"- ông Hoài nhấn mạnh
Các địa phương chủ động cấm biển phù hợp với tình hình thực tế. Lực lượng công an phối hợp địa phương tuần tra canh gác đảm bảo an toàn khu vực di dân cũng như khu vực dân đến; chủ động cho học sinh nghỉ học.
Giám sát chặt chẽ phương án bảo vệ an toàn đối với các công trình đê biển đang xây dựng. Các địa phương cần xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các công trình hồ thủy điện, thủy lợi.
Không hiểu sao Bộ Công Thương vắng họp
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các bộ ngành, địa phương cần đặc biệt đến các hồ chứa, công trình thuỷ lợi, thuỷ điện. Phải sẳn sàng chủ động hạ thấp mực nước theo quy trình vận hành, sẵn sàng phương án xả lũ. Việc này rất quan trọng.
"Tại sao hôm nay, chúng tôi cũng không hiểu vì lí do gì, đại diện của Bộ Công Thương, nhất là các đồng chí quản lý hệ thống hồ chứa thuỷ điện không dự họp ở đây"- ông Hoài nói.
Bình luận (0)