Để chủ động ứng phó bão số 12 nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh, đã ban hành công điện, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Khánh Hòa về các địa phương phụ trách trước 12 giờ ngày 9-11 để phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai công tác ứng phó bão.
Trên địa bàn có 4.026 tàu cá/khoảng 18.923 lao động. Hiện có 161 tàu/1.344 người đang hoạt động đánh bắt trên biển, cụ thể: Vùng biển Trường Sa có 71 tàu, 629 thuyền viên; vùng biển Khánh Hòa 23 tàu, 132 thuyền viên; vùng biển ven bờ Ninh Thuận - Bình Thuận 28 tàu, 240 thuyền viên; vùng biển phía Nam 39 tàu, 343 thuyền viên. Hiện các tàu nêu trên đã nắm được thông tin, vùng nguy hiểm của bão để chủ động tránh trú an toàn.
Tàu thuyền neo đậu tránh bão số 12 ở khu vực cầu Bình Tân, TP Nha Trang vào sáng 9-11
Về lồng bè, Khánh Hòa hiện có 2.378 bè, 91.708 lồng với khoảng 13.600 lao động. Bộ đội biên phòng Khánh Hòa phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng néo lồng bè, yêu cầu các lao động rời khỏi lồng bè, vào bờ trước 18 giờ ngày 9-11.
Trên đất liền, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát ngay các khu vực, công trình xung yếu, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm nhất. Rà soát các khu vực cầu, ngầm, tràn… thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt khi có mưa lũ để chủ động bố trí lực lượng hướng dẫn, chốt chặn; tổ chức khơi thông các hệ thống tiêu thoát nước, cống rãnh… nhằm hạn chế ngập lụt do mưa lũ lớn gây ra.
Hiện TP Nha Trang có 84 điểm có nguy cơ sạt lở, trong khi toàn tỉnh có 174 vị trí
Tại 174 vị trí được xác định có nguy cơ sạt lở (dự kiến sơ tán khoảng 23.350 người dân) hiện các địa phương đang cảnh báo người dân sẵn sàng sơ tán; 110 điểm ngầm, cầu, tràn nguy hiểm sẽ được bố trí lực lượng chốt chặn khi có mưa, lũ lớn.
Theo UBND TP Nha Trang, đối diện với mùa mưa bão năm 2020, qua khảo sát TP có 84 điểm dễ xảy ra sạt lở. Trong đó, xã Phước Đồng nhiều nhất với 18 điểm. Đây là khu vực liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở khiến hàng chục người chết từ những mùa mưa bão trước.
Nhiều hộ dân sống cạnh các sườn núi, nguy cơ sạt lở cao
Hiện trường khu vực sạt lở ở Xóm Núi, xã Phước Đồng, TP Nha Trang khiến 14 người chết vào năm 2018
Chị Trần Thị Gái ở Xóm Núi, xã Phước Đồng, nói với phóng viên Báo Người Lao Động vào sáng 9-11: "Đợt sạt trước nước phủ qua mái nhà, san bằng khu vực sát nhà, sập hết căn nhà khi hai mẹ con ở trong. Khi đó tôi như chôn chân chờ chết, may mắn còn sống. Bão số 12 nghe nói ảnh hưởng trực tiếp đến Khánh Hòa khiến người dân cả khu vực này hết sức bất an. Cứ thế mưa to là chạy thôi không dám ở lại nữa"
Đối với các công trình, dự án, công điện yêu cầu các Chủ đầu tư đang triển khai các dự án trên địa bàn đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động và các hạng mục công trình đang thi công; thực hiện tháo dỡ các hạng mục thi công công trình gây ách tắc dòng chảy; rào chắn, cắm biển cảnh báo tại các khu vực thi công, hố móng công trình…
Phường Vĩnh Hòa là khu dân cư tổ 13 Đường Đệ giáp ranh tuyến Tây mương khu vực từng bị lũ quét hư hỏng nhà cửa. Trong ảnh là dự án khu nhà ở Biệt Thự Incomex Sài Gòn nơi có nguy cơ sạt lở cao
Khu vực dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú từng bị sạt lở khiến 4 người chết
Khu vực sườn núi Hòn Ông giáp Khu dân cư Hòn Rớ có nguy cơ sạt lở cao. Khu vực này sát khu dân cư tự phát xóm Núi (góc phải) từng xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 14 người chết. Quanh khu vực này ngoài dân cư còn có các dự án lớn đang đào núi đồi làm khu biệt thự
Một điểm đào núi phân lô bán nền ở xã Phước Đồng
Về công tác đảm bảo an toàn cho 31 hồ chứa nước trên toàn tỉnh, hiện nay tổng dung tích các hồ chứa là 154,7 triệu m3, đạt 62% so với tổng dung tích thiết kế các hồ là 250 triệu m3. Các đơn vị quản lý hồ chứa đã tổ chức trực ban 24/24h theo dõi diễn biến bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
Dự báo của Trung tâm khi tượng thủy văn Quốc gia, đến 4 giờ ngày 10-11, bão cách bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Tiếp đó, bão áp sát đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Bão số 12 dự kiến ảnh hưởng trực tiếp đến Khánh Hòa
Bình Định yêu cầu sơ tán dân dưới chân núi trong nội thành Quy Nhơn
Sáng 9-11, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão số 12 .
Núi bà Hỏa ở TP Quy Nhơn
Theo đó, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu cấm biển từ 12 giờ ngày 9-11 cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 12; kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng các tàu cá đang nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 12 nhanh chóng thoát ra ngoài để đến vùng an toàn tránh trú bão.
Hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tránh va đập làm chìm, hư hỏng, cháy nổ tại các khu neo đậu, tránh trú; tổ chức, hướng dẫn di chuyển, chằng buộc, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản để bảo đảm an toàn cho người.
Triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, ngập lụt, chia cắt và các khu vực người dân sống ven các chân núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực dưới chân núi Bà Hỏa và chân núi Vũng Chua ở TP Quy Nhơn.
Đức Anh
Bình luận (0)