Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 15-11, báo cáo ban đầu cho biết bão số 13 sau khi đổ bộ đã làm 18 người ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam bị thương trong lúc chằng chống nhà cửa…
Nhà tốc mái nhiều
Do ảnh hưởng của bão nên một số địa phương vùng ven biển Hà Tĩnh trong ngày 15-11 có gió mạnh. Mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ khiến khoảng 300 m Quốc lộ 1 qua thị xã Kỳ Anh ngập sâu; nhiều nhà dân ở xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh bị tốc mái.
Tại Quảng Bình, chỉ sau hơn 1 giờ bão càn quét, ít nhất có 300 căn nhà tốc mái, 8 người bị thương, nhiều tàu thuyền chìm, gây thiệt hại lớn. Tại xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), sau trận lũ vừa rồi, tuyến kè dọc biển sạt lở nặng, nay một đoạn bờ biển dài khoảng 500 m tiếp tục sạt lở nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, cho biết bước đầu ghi nhận khoảng 20 nhà tạm của người dân ven biển bị tốc mái, 2 thuyền của ngư dân hư hỏng. Ngay khi gió ngớt, lãnh đạo xã đã cử công an, dân quân mang cưa, rựa ra cắt dọn đường và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Trường Tiểu học Phú Thuận (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tốc mái (ảnh chụp sáng 15-11) Ảnh: QUANG TÁM
Tính đến 17 giờ ngày 15-11, bão đã làm tổng cộng hơn 300 căn nhà ở Quảng Bình tốc mái. Nặng nhất là huyện Bố Trạch, huyện Quảng Ninh và thị xã Ba Đồn. Tỉnh này cũng có 8 người bị thương.
Trong ngày, tại Quảng Trị mưa to đến rất to. Tại huyện đảo Cồn Cỏ - nơi tâm bão đi qua, gió mạnh cấp 10, giật cấp 13, sóng cao từ 3-5 m. Trước đó, để bảo đảm an toàn, gần 200 người dân và lực lượng vũ trang có mặt ở đảo này phải di chuyển xuống hầm tránh trú.
Theo thống kê ban đầu, tại Quảng Trị, có 7 người bị thương trong quá trình chằng chống nhà cửa tránh bão; hơn 700 căn nhà tốc mái, 23 giếng phục vụ nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, 17 trụ điện nghiêng gãy và hàng loạt cây xanh bật gốc.
Đặc biệt, tại các xã vùng biển Gio Hải, Trung Giang (huyện Gio Linh) tiếp tục xảy ra tình trạng sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền từ 5-10 m, kéo dài hơn 13 km. Riêng bãi tắm Gio Hải sóng lớn đánh vỡ hệ thống kè biển, gây sập đổ 15 quán kinh doanh của người dân.
Trước đó, tại buổi kiểm tra công tác phòng chống bão số 13 tại tỉnh Quảng Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định ngay sau bão, bộ sẽ cùng địa phương này bàn kế hoạch khôi phục sản xuất, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi ngắn ngày để bà con sớm có thu nhập. Về lâu dài, sẽ có sự hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ven biển bị nặng
Đêm 14 và rạng sáng 15-11, người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế không thể chợp mắt bởi tiếng gầm rít liên hồi, càng lúc càng mạnh của gió và mưa nặng hạt. Gió bắt đầu thổi từ khoảng 23 giờ ngày 14 nhưng từ 2 giờ ngày 15 thì cường độ mạnh hơn và kéo dài đến 6 giờ sáng.
Thị trấn Thuận An của huyện Phú Vang nằm ở miệt biển Thừa Thiên - Huế, khá gần tâm bão nên bị tác động mạnh nhất. Sáng 15-11, khi bão vừa tan, nhiều người dân rời các điểm tránh trú để về nhà với khuôn mặt phờ phạc, ánh mắt lộ vẻ lo lắng vì chưa biết tình cảnh nhà mình ra sao...
"Từ cơn bão số 8 năm 1985 đến nay, tôi mới chứng kiến một cơn bão mà gió thổi mạnh, kéo dài hàng giờ như cơn bão này" - ông Trần Huấn, một người dân thị trấn Thuận An, cho biết.
Tàu là phương tiện mưu sinh của đại đa số cư dân Thuận An nên họ cố gắng giữ gìn. Nhiều ngày liên tiếp, chủ những tàu cá nơi đây đưa tàu đến nơi neo đậu, nhưng bão đã làm ít nhất 9 tàu cá chìm. Nhiều tàu khác khi neo ở phá Tam Giang bị đứt dây, sóng và gió lớn đẩy chúng lao thẳng vào bờ, đâm vào những công trình xây dựng ở đó.
Bãi tắm Gio Hải (huyện Gio Linh, Quảng Trị) sạt lở nghiêm trọng.Ảnh: ĐỨC NGHĨA
Ngay điểm đầu nối giữa thị trấn Thuận An với xã Phú Thuận bằng con đập Hòa Duân, nhiều tàu cá neo đậu trong phá Tam Giang bị triều cường, bão gió đẩy vào mắc cạn. Rừng phi lao chừng 20 năm tuổi ngã đổ la liệt. Báo cáo nhanh của cơ quan chức năng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vào chiều tối 15-11 cho biết bước đầu thống kê tỉnh này có 6 nhà sập, 4.489 nhà tốc mái; nhiều cơ sở giáo dục, trường học, cơ quan quân sự bị hư hỏng.
Bão áp sát TP Đà Nẵng rạng sáng 15-11 cũng làm nước biển, nước sông Hàn dâng cao, vượt qua tuyến kè làm hư hỏng nhiều tuyến đường chính tại trung tâm TP. Người dân Đà Nẵng nhận định sức gió của bão số 13 không mạnh như bão số 9 trước đó nhưng nước dâng cao, tràn qua nhiều tuyến đường ven biển tạo nên cảnh xơ xác chưa từng thấy.
Nguy cơ ngập úng
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia ngày 15-11 cho biết nhiễu động gió Đông đang hoạt động mạnh dần lên.
Dự báo trong đêm 15 và ngày 16-11, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông sau bão số 13 nên ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa, riêng khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có mưa vừa, mưa to; các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.
Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời lạnh, có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng phổ biến 17-20 độ C, vùng núi 15-17 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ C. Khu vực Hà Nội có mưa, mưa vừa, trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 18-20 độ C.
Tại khu vực Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, theo diễn biến mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu vẫn đang có xu hướng tăng. Dự báo triều cường sẽ đạt đỉnh từ ngày 15 đến 19-11, từ ngày 20-11 sẽ xuống dần, mực nước cao nhất tại Vũng Tàu có thể đạt 4,35 m vào chiều tối 16 và rạng sáng 17-11.
Do ảnh hưởng của triều cường, nguy cơ ngập úng có thể xảy ra ở vùng trũng thấp đô thị ven biển khu vực Đông Nam Bộ như TP HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.
Hơn 2,4 tỉ đồng hỗ trợ Nghệ An
Trong chuyến công tác tại Nghệ An, sáng 15-11, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao 2 tỉ đồng của Ban Cứu trợ trung ương hỗ trợ nhân dân tỉnh Nghệ An khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ngoài ra, đoàn công tác của Phó Chủ tịch nước cũng trao 410 triệu đồng hỗ trợ nhân dân tỉnh Nghệ An.
Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch nước đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng mưa lũ tại huyện Thanh Chương (Nghệ An). Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, tỉnh Nghệ An cần kịp thời triển khai các phương án hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trong đó, trọng tâm trước mắt là khắc phục sạt lở tại các tuyến đường giao thông để bảo đảm việc đi lại của người dân thông suốt; khắc phục thiệt hại tại các trường học để bảo đảm việc dạy và học bình thường trở lại. Bên cạnh đó, địa phương cần hỗ trợ kịp thời để người dân khôi phục sản xuất, phát triển sinh kế sau lũ, ổn định đời sống.
Tuyệt đối không chủ quan
Sáng 15-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 13 tại Hà Tĩnh. Đánh giá cao sự chủ động của Hà Tĩnh trong công tác ứng phó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 13 có xu hướng giảm cấp nhưng Hà Tĩnh tuyệt đối không được chủ quan và phải tăng cường cảnh giác hơn nữa bởi hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng, nước sông lên nhanh gây ra các nguy cơ cao như lũ ống, sạt trượt lở đất, ngập lụt.
Bình luận (0)