Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trưa 1-8, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 có tên quốc tế là Sinlaku. Dự báo 4 giờ ngày 2-8, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Sau đó, tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 km, đi vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Mưa giông diện rộng
Toàn bộ tàu, thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật và lốc xoáy. Trên đất liền, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thái Bình đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 3,5 - 4,5 m.
Tại cuộc họp về công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão số 2 và mưa lớn trên diện rộng vào sáng 1-8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết mặc dù cấp độ gió bão số 2 không quá lớn nhưng tính chất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng; hoàn lưu gây mưa trên phổ khá rộng và có khả năng gây mưa cực lớn (cả khu vực miền núi, đồng bằng và trên biển). Điều này gây khó khăn cho công tác ứng phó nên cần phải chủ động phương án phù hợp với các tình huống. "350.000 ha lúa hè thu đã chuẩn bị thu hoạch, đặc biệt là Bình Định lúa rất tốt, cần phải tập trung thu hái sớm, tránh thiệt hại. Bên cạnh đó, các hồ chứa nhỏ, công trình thủy điện nhỏ, các bãi thải khai thác khoáng sản phải chú ý lũ ống, lũ quét" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đề nghị các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương chấp hành nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn cho hơn 1.600 tàu và trên 8.000 lao động vào khu neo đậu an toàn; không để ngư dân ở trên bè nuôi thủy hải sản. Ở đất liền, phải sơ tán dân ra khỏi khu vực không an toàn, nhất là khách tại các khu du lịch.
Đối với sản xuất nông nghiệp, diện tích nào đến kỳ thu hoạch thì phải triển khai sớm. Các công trình nhà ở, công trình công cộng, trụ sở cơ quan yếu phải có giải pháp gia cường. Với khu vực miền núi, dễ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, phải hết sức chủ động để sơ tán dân cư khỏi khu vực nguy hiểm.
Cơ quan chức năng kiểm tra công tác phòng chống bão số 2 ở TP Hải Phòng. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Đã có thiệt hại, chủ động ứng phó
Tối 1-8, ông Nguyễn Ngọc Phú - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk - cho biết mưa lớn liên tục trong 2 ngày qua gây ngập lụt trên 10/10 xã, thị trấn của huyện Ea Súp. Mưa lũ còn khiến Tỉnh lộ 1 qua huyện Ea Súp bị chia cắt 3 điểm, nhiều tuyến đường liên xã bị ngập và chia cắt. Toàn huyện có 3.967 ha cây trồng, 926 nhà dân bị ngập, hơn 19.000 con gia cầm, gia súc chết...; ước tổng thiệt hại 51,198 tỉ đồng.
Trong khi đó, từ sáng 1-8, do ảnh hưởng mưa bão, tất cả các chuyến tàu, phà ở tỉnh Kiên Giang như Rạch Giá, Hà Tiên đi Phú Quốc, Rạch Giá đi Nam Du và ngược lại tạm ngưng hoạt động.
Chủ động ứng phó với bão số 2, hai tỉnh, thành Hải Phòng và Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chức năng kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn; sơ tán nhân dân tại các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, khu nuôi trồng thủy sản…
TP Hải Phòng từ 18 giờ ngày 1-8 đã cấm các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông. Tỉnh Quảng Ninh cấm biển từ 0 giờ ngày 2-8.
Bình luận (0)