Tại cuộc họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương để chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa lũ sau bão sáng 16-9, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết ngày 18-9, bão số 5 đi vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, trọng tâm là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.
Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia báo cáo về tình hình của cơn bãn số 5 - Ảnh: TTXVN
Bão di chuyển nhanh với cường độ mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 14; vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Bình đến TP Đà Nẵng (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có khả năng gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Mưa lớn tập trung ở Trung Bộ từ chiều 17-9 đến đêm 18-9 với lượng mưa rất lớn, trong thời gian ngắn. Lũ cao nhất có khả năng lên báo động 2 ở các tỉnh Trung Bộ kèm nguy cơ cao là lũ quét và sạt lở đất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh đây là cơn bão rất lớn, có khả năng đổ bộ vào đất liền cùng lúc với triều cường, do đó cần hết sức cảnh giác, không được chủ quan.
Các địa phương cần chủ động rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, nhà yếu không bảo đảm an toàn. Theo dự kiến, sẽ phải di dời khoảng 500.000 cư dân nằm trong diện rủi ro khi bão đổ bộ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trung ương để phối hợp cùng các địa phương sẵn sàng ứng phó khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền.
"Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện nay còn khoảng trên 700 tàu thuyền vẫn ở trong vùng nguy cơ ảnh hưởng của bão trong 24 giờ tới, chưa kể số tàu thuyền, phương tiện hoạt động ven bờ"- Phó Thủ tướng lưu ý.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng đã có công điện về ứng phó với bão số 5 và mưa lớn. Theo đó, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, vào 13 giờ ngày 16-9, vị trí tâm bão số 5 (tên quốc tế là Noul) ở vào khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 17-9, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 – 100 km/giờ), giật cấp 12.
Vị trí và dự báo đường đi của bão số 5 – Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.
Do ảnh hưởng của bão nên khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 18-9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/giờ), giật cấp 14.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 1 giờ ngày 19-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Lào-Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.
Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3, riêng vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Đà Nẵng cấp 4.
Cảnh báo mưa lớn, do ảnh hưởng của bão số 5 nên từ chiều 17-9 đến đêm 18-9, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300 mm/đợt, có nơi trên 400 mm; các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm/đợt. Từ ngày 18 đến 20-9, ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150 mm/đợt.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên từ đêm 16 đến 19-9, trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2-3,5 m; biển động mạnh.
Bình luận (0)