Sáng nay 8-10, tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 6, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết hồi 7 giờ ngày 8-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 290 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Đại diện Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia thông tin về cơn bão
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 9-11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 114,4 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 140 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: Phía Bắc vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 7 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 11-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 7. Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc Campuchia.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 6 chịu tác động của nhiều hình thế chi phối, di chuyển dị thường, rất phức tạp. Các dự báo từ các trung tâm quốc tế khá thống nhất về hướng di chuyển nhưng khi đổ bộ có sự chênh lệch và phân tán về thời gian. Nhật Bản dự báo mạnh nhất cấp 12, đổ bộ chiều tối 10-11 với cường độ cấp 9. Hồng Kông mạnh nhất cấp 12, đổ bộ đêm 10-11 với cường độ cấp 10. Trung Quốc dự báo mạnh nhất cấp 12, đổ bộ sáng 11-11 với cường độ cấp 8-9. Mỹ dự báo mạnh nhất cấp 12, đổ bộ sáng 11-11 với cường độ cấp 9.
"Khi bão đổ bộ sẽ gây sóng cao 7-8 m ở ngoài khơi, ven bờ 4-6 m, nước biển dâng kết hợp triều cường 2-3 m. Đối với khu vực trung tâm Bình Định - Phú Yên (dự kiến bão đổ bộ) sóng cao đạt 5-6 m, sâu trong cảng Quy Nhơn sóng 3-4 m, Phú Yên 4-5 m. Với tác động sóng cao kết hợp gió mạnh nguy cơ tác động đến khu neo đậu tàu thuyền, bến cảng, đê kè biển. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh nên gây ra mưa to đến rất to từ chiều ngày 9-11 đến 12-11 với tổng lượng mưa 200-400 mm, tập trung tại khu vực Đà Nẵng đến Khánh Hòa và Tây Nguyên" - ông Khiêm nhận định.
Dự báo vị trí và hướng di chuyển của bão số 6 - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Ông Lê Mạnh Tiến, Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, quân đội đã huy động 250.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, 2.300 phương tiện, trên biển trên 150 tàu ứng trực, sẵn sàng ứng phó với bão số 6. Lực lượng quân khu 4, quân khu 5, bộ đội biên phòng đã chủ động huy động lực lượng giúp nhân dân sơ tán, thông báo kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão.
Đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết đến 6 giờ ngày 8-11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 tàu/243.063 người biết hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh. Trong đó có 112 tàu/2.818 lao động (giảm 44 tàu) đang hoạt động, neo đậu tại khu vực nguy hiểm, trong đó 108 tàu neo đậu tại các đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa (Quảng Nam 11/497, Bình Định 04/21, Quảng Ngãi 97/2.300), 3 tàu Bình Định đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết bão số 6 sẽ gây gió to, sóng lớn với tầm ảnh hưởng rộng. Ông lưu ý trên toàn bộ tuyến biển, 7 địa phương phối hợp biên phòng, kiểm ngư tiếp tục thông báo, đưa hơn 100 tàu còn lại di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, khu vực bão có khả năng đổ bộ là trọng điểm nuôi biển nên hệ thống lồng bè cần được lưu ý, tránh hậu quả về người và kinh tế. Về giao thông, cần quán triệt hạn chế khách du lịch và phương tiện thủy vãng lai trong thời gian xảy ra bão.
Ngoài ra, cần lưu ý sóng cao đe dọa các vùng trũng và mưa lớn có thể gây sạt lở, lũ cho miền núi. Đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cần theo dõi sát tình hình bão, cập nhật liên tục, kịp thời thông tin cho người dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận, chỉ đạo tại cuộc họp
Phát biểu kết luận, chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, nhận định do bão có vùng ảnh hưởng rất rộng, đề nghị các địa phương căn cứ tình hình thực tế để chủ động cấm biển, di tán dân và đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển và người dân. Kiên quyết cưỡng chế, đưa người dân từ khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn, nhất là cửa sông, ven biển, trên lồng bè, chòi canh...
Các địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch, các công trình xây dựng nhất là hồ đập. Sau bão sẽ có hoàn lưu bão, mưa lớn do điều kiện vùng này các sông suối độ dốc rất lớn vì vậy cần hết sức chú ý đến lũ quét, sạt lở đất...
Bình luận (0)