xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bão tiếp bão đe dọa miền Trung

VĂN DUẨN - HOÀNG PHÚC

Trong khi nhiều nơi vẫn ngập, người dân đang gượng dậy sau lũ thì bão số 8 trực chỉ vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và trên biển Đông có thể xuất hiện cơn bão số 9 đe dọa miền Trung

Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết tính đến ngày 23-10, mưa lũ, sạt lở đất ở miền Trung, Tây Nguyên đã làm 117 người chết, 21 người mất tích, 37.524 căn nhà hư hỏng…

Lịch sử lặp lại: Tháng 10 có 4 cơn bão?

Chiều 23-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp bàn phương án ứng phó bão số 8. Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết hiện bão số 8 mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 15. Dự báo đến 13 giờ ngày 25-10, bão đi vào vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 24 đến sáng 26-10, các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to với tổng lượng phổ biến 50-150 mm/đợt.

Bão tiếp bão đe dọa miền Trung - Ảnh 1.

Phát hàng, quà cứu trợ cho người dân ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình .Ảnh: HOÀNG PHÚC

Dự báo xa hơn, ở phía Đông Philippines có nhiễu động đã hình thành vùng áp thấp, khoảng 70% sẽ mạnh lên thành bão. "Dự kiến từ đêm 26 đến ngày 27-10, vùng áp thấp này sẽ đi vào biển Đông. Nếu đúng như dự báo thì lịch sử lặp lại như năm 1983 khi tháng 10 có 4 cơn bão và 1 vùng áp thấp" - ông Khiêm nói.

Ứng phó với bão số 8, có 7 tỉnh trong vùng ảnh hưởng từ Thanh Hóa đến Bình Định đã ban hành công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các phương án bảo đảm an toàn trên biển và đất liền. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 57.477 tàu thuyền, phương tiện vào nơi trú tránh an toàn. Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm đề nghị các quốc gia hỗ trợ ngư dân Việt Nam cho tàu thuyền vào nơi tránh trú...

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai - lưu ý dù bão số 8 được dự báo sẽ suy yếu khi vào gần bờ nhưng các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng tuyệt đối không chủ quan, đặc biệt khi nơi đây vừa hứng chịu đợt thiên tai lớn. "Các tỉnh, TP miền Trung và bộ, ngành liên quan đặc biệt lưu ý triển khai đồng thời 2 phương án khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 8" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.

Cần hỗ trợ con giống, cây trồng

Trước khi bão số 8 đổ bộ, trong ngày 23-10, trời Quảng Bình hửng nắng, nước lũ rút dần. Hơn 16.000/32.000 hộ dân di tản trong lũ đã trở về nơi cư trú. Dù vậy, toàn tỉnh vẫn còn hơn 1.000 ngôi nhà đang ngập trong nước lũ, chủ yếu ở 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.

Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh khẩn trương huy động mọi nguồn lực để giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ lụt. Các địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục huy động, phối hợp với các đoàn cứu trợ đi sâu vào các vùng lũ để cấp phát kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm cấp thiết, không để dân bị đói, khát.

Sau nhiều ngày bị ngâm trong lũ, nhiều nông dân ở các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy mang thóc ra phơi nhằm vớt vát những gì còn lại sau vụ hè thu. Bà Võ Thị Huệ (46 tuổi; ngụ xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết mọi tài sản đều bị nước lũ cuốn trôi, chỉ còn sót gần 2 tấn thóc mọc mầm, gia đình mang ra phơi chỉ mong vớt vát lại một ít cho gia súc, gia cầm ăn. "Mong sao nhà nước sớm có biện pháp để hỗ trợ cây giống, vật nuôi giúp bà con nông dân sau đợt lũ này" - bà Huệ thở dài.

Tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, người dân và chính quyền địa phương tập trung dọn trường học và trụ sở UBND xã. Ông Phạm Văn Dần, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, cho biết bên cạnh dọn dẹp vệ sinh, tu sửa các công trình bị hư hỏng, chính quyền và người dân còn tập trung xử lý kịp nguồn nước uống để không xảy ra tình trạng bệnh dịch sau lũ.

Toàn huyện Quảng Ninh có 15 xã, trong đó có 14 xã với hơn 18.000 hộ dân bị ngập. Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, cho biết chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ người dân nguồn lương thực, giống cây, phân bón để ổn định cuộc sống trước mắt. "Về lâu dài, chúng tôi sẽ đề xuất các sở, ban, ngành phương án nâng cấp hệ thống đường sá cao hơn, xây nhiều công trình tránh lũ để bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại về tài sản của người dân lúc lũ về" - ông Đông nói.

Theo ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình, đơn vị đang sửa chữa một số tuyến đường sạt lở, hư hỏng trong trận lũ. Hiện một số tuyến đường còn ngập sâu hoặc sạt lở lớn chưa lưu thông được: đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; các quốc lộ 12A, 15, 9B, 9E; các đường tỉnh 562, 564. 

Thông tuyến đường bộ lên Rào Trăng 3

Ngày 23-10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm kiếm được 2 thi thể ở thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền). Như vậy, đến thời điểm này, đã tìm kiếm được 4 thi thể công nhân trong 17 người mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3. Trong đó, 2 thi thể đã xác định danh tính và bàn giao cho gia đình mai táng.

Chiều cùng ngày, đường bộ Tỉnh lộ 71 từ thủy điện Rào Trăng 4 lên thủy điện Rào Trăng 3 đã được ngành giao thông vận tải và quân đội xử lý các điểm ách tắc. Các lực lượng hạ quyết tâm hoàn thành việc đưa tất cả phương tiện xe múc, xe ủi, xe ben vào thủy điện Rào Trăng 3 trong sáng 24-10 để đẩy nhanh công tác tìm kiếm các nạn nhân còn lại.

Q.Tám

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo