Theo nắm bắt của phóng viên Báo Người Lao Động, sự tàn phá của các cơn bão, sự bùng phát sao biển gai phá hoại rạn san hô và tình trạng đánh bắt trái phép, xây dựng, san lấp mặt biển đã khiến hệ sinh thái ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tàu cá chực chờ xâm phạm
Theo anh H.K - một hướng dẫn viên lặn biển ở Nha Trang, tình trạng các rạn san hô chết hàng loạt xuất hiện sau khi hết giai đoạn phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt. Thời điểm này, khu vực Hòn Mun xuất hiện tàu cá khá nhiều thả lưới vây, tàu sử dụng lưới giã cào (bị cấm hành nghề) để đánh bắt hải sản. Các hướng dẫn viên lặn đã chụp ảnh nhiều tấm lưới kéo dài dọc các rạn san hô, nhiều bẫy lồng, cả những đường cào sát đáy. "Các rạn san hô bị cào nát. Anh em đi tour về muộn khoảng 17, 18 giờ là thấy các tàu cá xuất hiện quanh khu vực này" - anh H.K búc xúc nói.
Tàu cá vi phạm bị Ban Quản lý vịnh Nha Trang xử lý khi đánh bắt tại Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang .Ảnh: KỲ NAM
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Người Lao Động, quanh Hòn Mun luôn có tàu đánh cá thường xuyên neo đậu hoặc thả trôi chỉ cách bờ vài trăm mét. Thậm chí khi tàu tuần tra của Ban Quản lý vịnh Nha Trang đến xua đuổi, những tàu cá này vẫn không chịu rời xa các đảo. Khảo sát rộng hơn trên toàn Khu Bảo tồn biển (KBTB), một số tàu vây lưới ở đảo Hòn Tre (đảo này thuộc KBTB vịnh Nha Trang) nằm gần Hòn Mun. Điều gì bảo đảm những tàu này không vào vùng bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun để đánh bắt?
Ông H., một ngư dân 15 năm chuyên đi câu mực ở vịnh Nha Trang, cho biết vào KBTB là bị phạt 25 triệu đồng nhưng nhiều tàu vẫn làm liều vào KBTB vì có cá nhiều. Họ đi chủ yếu cách xa khoảng vài trăm mét, canh tàu tuần tra rồi thả trôi tàu, lặn xuống bắn cá. Các tàu hành nghề quây lưới các đàn cá lớn từ phía Nam theo dòng hải lưu lên phía KBTB để đánh bắt. Nhưng nguy hiểm hơn là tàu dùng lưới giã cào vì ngay cả các lồng bẫy mực của ngư dân cũng bị lưới giã cào kéo bay.
Ông Đàm Hải Vân, Phó Ban Quản lý vịnh Nha Trang, thừa nhận tình trạng khai thác hải sản trái phép đang diễn ra ở đây nhưng đội tuần tra hiện chỉ có 1 tàu và 15 cán bộ, nhân viên chia mỗi ca 5 người nên chỉ tuần tra chủ yếu ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun. "Chúng tôi chỉ có thể xử lý đối với các tàu cá đánh bắt cá trong vùng nước 300 m từ bờ Hòn Mun trở ra. Ngoài vùng nước này, việc xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là xua đuổi. Tàu cá cứ neo đó mà chúng tôi không làm gì được. Thậm chí mới đây (ngày 10-5), khi phát hiện vi phạm cách bờ 100 m nhưng tàu cá không chấp hành ký biên bản. Chúng tôi phải phối hợp Biên phòng Bích Đầm, Hải đội 2 điều thêm 2 ca nô ra để xử lý" - ông Vân cho biết.
Lý giải nguyên nhân
Lý giải về tình trạng hệ sinh thái rạn san hô tại Hòn Mun suy giảm nghiêm trọng, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết ngoài chịu tác động bởi việc đánh bắt hải sản trái phép thì nhiệt độ toàn cầu tăng, bão cũng tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Cơn bão số 12 năm 2017 đã khiến san hô ở đây hư hại đến 80% - 90%.
"Sau 2 năm nuôi dưỡng, phục hồi tốt thì đến cơn bão số 9 năm 2021 một lần nữa các rạn san hô từ 1-3 m bị sóng đánh gãy hàng loạt. Không chỉ Hòn Mun, san hô ở Hòn Tằm, Hòn Tre trong vịnh Nha Trang cũng bị đánh gãy. Ngoài ra, sự bùng phát của các loài địch hại là sao biển gai và hiện tượng "tẩy trắng san hô" ảnh hưởng nặng đến hệ sinh thái" - ông Thái thông tin thêm.
Lưới đánh cá của ngư dân quấn vào các rạn san hô tại Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang .Ảnh: KIM ANH
Theo các nhà khoa học của Viện Hải dương học, hiện nay tình trạng khai thác hủy diệt (bằng chất nổ, chất độc xyanua) trên rạn san hô ở khu vực vịnh Nha Trang hầu như không còn. Tuy nhiên, việc khai thác hủy diệt trên rạn san hô trong quá khứ đã làm cho một số rạn san hô ở vịnh Nha Trang bị suy thoái nặng nề. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho rằng độ phủ rong lớn cao trên rạn được xem là biểu hiện của sự suy thoái rạn san hô. Điều này thường xảy ra sau khi xuất hiện các hiện tượng như san hô bị bệnh, bùng nổ sinh vật ăn san hô, giảm mật độ sinh vật ăn rong trên rạn... Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, khối lượng xây dựng hạ tầng ven biển, san lấp lấn biển trên các đảo trong vịnh Nha Trang dẫn đến lượng trầm tích tăng cũng là tác nhân đe dọa hệ sinh thái rạn san hô ở khu bảo tồn này.
Theo các nhà khoa học của Viện Hải Dương học, quá trình san lấp, lấn biển xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và dân sinh tại các vùng ven bờ và ven đảo không chỉ làm mất diện tích rạn san hô mà còn đưa lượng trầm tích ra biển và lắng đọng trên bề mặt rạn làm chết san hô. Ngoài ra, hiện tượng tẩy trắng san hô trong vài thập niên gần đây tác động nghiêm trọng với hệ sinh thái rạn san hô trên toàn thế giới trong đó có khu bảo tồn này.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-6
Kỳ tới: Gian nan phục hồi hệ sinh thái
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo rà soát
Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý, ngăn chặn 49 trường hợp khai thác trái phép trong Khu Bảo tồn vịnh Nha Trang, trong đó có 38 trường hợp câu dắt mực, 7 lặn đêm, 2 đánh lưới trũ, 2 đánh lưới giã cào. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết sau khi nhận được phản ánh, Tỉnh ủy đã chỉ đạo TP Nha Trang rà soát, báo cáo giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu TP Nha Trang chỉ đạo Ban Quản lý vịnh Nha Trang tăng cường lực lượng kiểm tra, bảo vệ KBTB; phối hợp Viện Hải dương học và các bên liên quan nghiên cứu để cấy, nuôi trồng, phục hồi rạn san hô dưới đáy biển.
Có hay không việc "bán bãi"?
Trước tình trạng hệ sinh thái ở KBTB vịnh Nha Trang bị suy giảm nghiêm trọng, một số ý kiến hoài nghi về việc "bán bãi", để các tàu cá khai thác mang tính hủy diệt vào tận vùng lõi KBTB này đánh bắt. Trước những thông tin này, ông Đàm Hải Vân khẳng định thời gian tới, Ban Quản lý sẽ xử lý triệt để đối với các hành vi sai phạm của các tàu cá xâm hại KBTB, tuyệt đối không có chủ trương bao che, nể nang khi xử lý sai phạm.
Bình luận (0)