Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc công nhận Bảo vật Quốc gia, nâng các Bảo vật Quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lên con số 6. Đây là các hiện vật độc bản, hình thức độc đáo, mang giá trị đặc biệt tiêu biểu cho nền nghệ thuật tôn giáo của Chămpa qua nhiều thời đại
Đài thờ Trà Kiệu được xem là kiệt tác điêu khắc thời Chămpa. Đài thờ được làm bằng sa thạch, có niên đại thế kỷ VII – VIII. Đây là đài thờ Chămpa duy nhất còn lại nguyên vẹn với phần bệ vuông ở dưới và bệ Yoni tròn ở trên
Theo các nhà nghiên cứu, 4 cảnh chạm xung quanh đài thờ là những trích đoạn trong trường ca Ramayana. Đài thờ Trà Kiệu được trưng bày tại phòng trưng bày Trà Kiệu ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Các bộ phận của đài thờ được sưu tầm tại Trà Kiệu (nay thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam)
Đài thờ Mỹ Sơn E1 được các nhà khảo cổ Pháp phát hiện, khai quật năm 1903 trong khối đổ nát của tháp E1 thuộc khu đền tháp Chămpa ở Mỹ Sơn (nay thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam)
Năm 2012, Đài thờ Mỹ Sơn E1 được công nhận Bảo vật Quốc gia. Đây là đài thờ Chămpa duy nhất miêu tả nhiều nhân vật, cảnh sinh hoạt của các tu sĩ Ấn Độ giáo cùng cảnh tượng thiên nhiên, động vật một cách chi tiết
Đài thờ Đồng Dương hiện là đài thờ có kích thước lớn nhất trong loại hình đài thờ của Chămpa. Đài thờ chạm khắc những câu chuyện liên quan cuộc đờiĐức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trên mặt bắc của đài thờ tái hiện quãng đời Thái tử Tất Đạt Đa trưởng thành và xuất gia. Mặt nam của đài thờ là các cảnh về quá trình tu tập và giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Đài thờ Đồng Dương với các hình ảnh chạm khắc về sự tích đản sanh và giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là hiện vật hiếm hoi, chứng minh cho sự phát triển của Phật giáo thời bấy giờ
Tượng Bồ tát Tara là tác phẩm bằng đồng lớn nhất của nghệ thuật điêu khắc Chămpa đến thời điểm hiện tại với chiều cao 1.148 cm. Tượng Bồ tát Tara được khắc họa trong tư thế đứng thẳng vừa trang nghiêm vừa mỹ miều
Khuôn mặt có hàm vuông của Bồ tát Tara toát lên vẻ trang nghiêm, trí tuệ nhưng không kém phần dịu dàng, thuần khiết, bao dung. Phía trước trán khắc một hình thoi lõm sâu, được gọi là Huệ nhãn. Tượng mang đậm nét của người Chămpa, cũng như chứa đựng những nét đặc trưng của phong cách nghệ thuật Đông Dương thời bấy giờ.
Tượng Thần Ganesha được làm bằng chất liệu sa thạch có niên đại từ thế kỷ thứ VII, được phát hiện vào năm 1903 bởi Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO)
Cuối năm 2020, Tượng Thần Ganesha được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Theo thần thoại Ấn Độ, Ganesha là vị thần may mắn, trí tuệ, có khả năng dẹp bỏ những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Hiện vật tượng Gajasimha (voi - sư tử), chất liệu sa thạch được tìm thấy trong cuộc khai quật tại Tháp Mẫm (Bình Định) năm 1933-1934
Tượng Gajasimha là một hình tượng linh thú trong thần thoại Ấn Độ với đầu voi và thân sư tử. Hình tượng đầu voi biểu trưng cho quyền năng của thần linh và thân hình sư tử là biểu trưng chiến thắng, uy quyền của một vị vua. Tại các đền tháp, tượng Gajasimha được đặt trước cửa với vai trò bảo vệ sự tôn nghiêm cho công trình
Tượng Gajasimha mang những nét đặc trưng về phong cách nghệ thuật Tháp Mẫm, khoảng thế kỷ XII – XIII. Cùng với tượng thần Ganesha, tượng Gajasimha được công nhận là Bảo vật Quốc gia vì những đặc trưng văn hóa, nghệ thuật
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang mở cửa đón du khách tham quan miễn phí. Bên cạnh việc được tận mắt chứng kiến các Bảo vật Quốc gia, du khách còn có thể tìm hiểu những thông tin của hiện vật qua các mã QR đặt ngay dưới hiện vật bằng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau
Bình luận (0)