UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng TP Hà Nội năm 2021.
Nhiệm vụ chung của cả hệ thống
Hiện nay, toàn TP Hà Nội có hơn 27.000 ha rừng, tập trung ở 7 huyện, thị xã. Thời gian qua, nguy cơ cháy rừng vẫn tiềm ẩn, đặc biệt là rừng phòng hộ Sóc Sơn do nắng nóng kéo dài, thảm thực vật dày.
Một lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết TP xác định bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. UBND các cấp có rừng và chủ rừng cần xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ rừng và PCCC rừng; phương án huy động lực lượng phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi xảy ra cháy ở diện tích rừng quản lý...
Theo ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, diện tích rừng của Hà Nội không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Do vậy, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm Hà Nội luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng.
Chi cục đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị TP phê duyệt đề án "Tuyên truyền nâng cao năng lực cho các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng kiểm lâm về công tác quản lý, bảo vệ và PCCC rừng". Bên cạnh đó, chi cục tổ chức các lớp tuyên truyền thừa hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, động vật hoang dã.
Công tác tuyên truyền đã có nhiều đổi mới. Cụ thể, tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng.
Chi cục đã xây dựng nội dung riêng phù hợp với từng nhóm các đối tượng như: Cấp chính quyền cơ sở, chủ rừng và những người dân sống gần rừng. Ngoài ra, hằng năm, lực lượng kiểm lâm còn tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng.
Huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là điểm nóng về xâm phạm rừng
Điểm nóng xâm phạm rừng
Việc quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội hiện còn nhiều bất cập, khó khăn.
Hệ thống bản đồ chuẩn theo Hệ tọa độ VN2000 trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa đươc chuẩn hóa. Trong khi đó, trên địa bàn cả 7 huyện, thị xã, TP có rừng ngoài thực địa vẫn chưa thực hiện cắm mốc giới và chưa được phân định rõ 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất).
Đáng nói, mốc giới giữa các loại rừng với các loại đất cũng chưa được phân định rõ ràng, vẫn có sự chồng lấn giữa đất lâm nghiệp với đất ở và các loại đất khác.
Đây cũng là khó khăn của các cấp chính quyền trong việc quản lý đất lâm nghiệp. Do quy hoạch các loại đất chồng lấn dẫn đến nảy sinh các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Đối với những vụ việc này, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa bàn lập hồ sơ báo cáo cấp thẩm quyền xử lý theo đúng quy định.
Ông Tuyên cho hay so với 3 năm trước, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp có giảm đi nhưng vẫn còn tái diễn. Qua nắm tình hình và rà soát tại cơ sở cho thấy Sóc Sơn và Ba Vì là 2 huyện xảy ra nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái ở diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ không phải là vùng lõi nhưng phải bảo đảm về bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng xây dựng khu, điểm du lịch sinh thái tự phát không theo quy hoạch của TP.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội thừa nhận có tình trạng phá rừng, lấn chiếm, khai thác đất lâm nghiệp, sử dụng đất lâm nghiệp trái quy định (đặc biệt các điểm nóng như Sóc Sơn, Ba Vì..., các khu vực chồng lấn).
TP Hà Nội giao UBND cấp huyện (có rừng) xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng, giao rõ trách nhiệm các phòng, ban, đơn vị, bảo đảm các hành vi vi phạm về bảo vệ rừng được xử lý dứt điểm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ người, phương tiện ra vào rừng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm rừng.
Xử nghiêm các sai phạm
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao các lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm tra, truy quét ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ rừng. Đồng thời đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng; đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Kiên quyết đình chỉ, thu hồi các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sai mục đích hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn mình quản lý. Địa phương nào để xảy ra phá rừng, lấn chiếm, khai thác đất lâm nghiệp trái pháp luật thì chủ tịch UBND cấp dưới chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp.
Bình luận (0)