Mỗi dịp Xuân về, Tết đến, người người tìm nghe nhạc Xuân. Ca khúc viết về Xuân đa dạng, đa màu sắc, đa nhịp điệu. Những tiết điệu tango, rumba, valse, slow... góp phần tạo nên những bài hát Xuân đa âm sắc. Lẫn trong những nhịp điệu này, boléro cũng làm nên "tên tuổi" quen thuộc trong các ca khúc viết về ngày Tết. Dẫu nhạc Tết boléro chỉ đếm trên đầu ngón tay song ca khúc Xuân boléro vẫn là những bài hát lắng đọng lòng người.
Năm cũ đến hẹn rồi cũng đi qua nhường chỗ cho năm mới. Năm mới, nhìn chung cái gì cũng mới, chỉ có nhạc Xuân là cũ. Tất nhiên, cũ mà hay còn hơn mới mà dở. Nhạc sĩ Việt Nam từ già đến trẻ không phải ai cũng sáng tác được một bài hát Xuân và những nhạc sĩ trẻ sau năm 1975 có viết nhạc Xuân nhưng cũng không thể sánh vai với lớp nhạc sĩ đi trước. Vì nhạc Xuân dễ viết nhưng khó hay! Giai điệu thì được nhưng ca từ hay, mới, lạ phải chăng như lối nói cường điệu, các nhạc sĩ đàn anh đã dùng hết rồi. Cho nên, đổi một vài từ "không còn thích hợp" như trường hợp nhạc phẩm "Câu chuyện đầu năm" của Hoài An chỉ cần sửa lại "hai từ" mà tác phẩm vẫn lành lặn, tác giả của nó thấy vui, thính giả vẫn thấy thích.
Những bài nhạc cũ trước năm 1975 sửa để được phổ biến, ấy chẳng qua là một việc làm chẳng đặng đừng. Riêng nhạc Xuân sáng tác trước năm 1975, những bài hát đã thấm vào lòng người từ những năm tháng còn chiến tranh, nay đã được sống lại.
Nhạc Xuân boléro ngày ấy là những bài ca đơn giản từ nốt nhạc cho đến ca từ, không màu mè triết lý thời thượng nhưng đong đầy những niềm vui, mơ ước, yêu thương. Không than van, trách móc, giận hờn, gói ghém hạnh phúc nhỏ nhoi trước bề bộn lo toan của cuộc đời.
Ba ca khúc boléro Xuân từ những ngày rất xa của thế kỷ XX đi qua, nhưng bây giờ nghe lại vẫn thấy đậm đà hương vị ngày Tết. Hình ảnh con người và cảnh vật làm nên những đường nét chấm phá của phong tục ngày Xuân cho dù thời cuộc đã đổi thay nhưng tình người khó mà thay đổi, dù cho bể dâu, gian khổ theo suốt cuộc đời. Nhắc lại 3 ca khúc Xuân boléro này như đốt lò hương cũ: "Đầu năm đi lễ" (Ngọc Sơn), "Câu chuyện đầu năm" (Hoài An), "Cánh thiệp đầu Xuân" (Lê Dinh - Minh Kỳ).
Hình như không hẹn mà gặp, cách dùng tựa cho ba nhạc phẩm này đều có chữ "đầu". Tất cả những chữ "đầu" ấy như kim chỉ nam dẫn đường, xuất phát của năm mới, một điểm khởi đầu, một hành trình 365 ngày bằng những bước đi bình an, hạnh phúc:
"Nửa đêm thức giấc phút giây bùi ngùi/ Lặng nghe tâm hồn xao xuyến/ Chân bước theo hồi chuông/ Đêm Xuân em đi lễ/ Quyện khói hương trầm lạc lối trong đêm Xuân/ Buồn trong kỷ niệm/ Ngày xưa hai đứa đêm Xuân đi lễ có nhau/ Anh chọn màu áo cho em/ Tình yêu chớm nở của chúng mình/"… ("Đầu năm đi lễ" của Ngọc Sơn).
Đi lễ ngày Xuân là phong tục, tập quán không chỉ ở người mộ đạo mà là nét văn hóa của tất cả mọi người đi tìm chốn an lành, sự che chở, đùm bọc từ cõi vô minh.
Và cũng như nhạc sĩ Ngọc Sơn, cố nhạc sĩ Hoài An cũng dẫn chúng ta đi lễ đầu năm:
"Trên đường đi lễ Xuân đầu năm/ Qua một năm ruột rối tơ tằm/ Năm mới nhiều ước vọng chờ mong/ May nhiều rủi ít ngóng trông/ Vui cùng pháo đỏ rượu hồng/… Xin khấn nguyện kết chặt tình thân/ Vin cành lộc những bâng khuâng/ Năm này chắc gặp tình quân/… Xuân đi rồi Xuân đến/ Bao la nguồn yêu mới/ Như hoa mai nở phơi phới/"… ("Câu chuyện đầu năm" của Hoài An).
Nhưng thời buổi bây giờ đã làm mất dần một nét văn hóa đã được gìn giữ bao đời, nay bị lãng quên trước làn sóng công nghệ thông tin tràn ngập: cánh thiệp đầu Xuân. Ngày xưa, từ rằm tháng chạp, thiệp chúc Tết bán đầy các sạp báo, nhà sách. To nhỏ, màu sắc đa dạng, mua bỏ vào phong bì chúc Tết gửi đi khắp mọi miền. Chọn thiệp chúc Tết, lên danh sách bạn bè, thầy cô, chú bác, anh chị - một sự nô nức vui như… ngày Tết!
Sau cùng, thêm một bài nhạc Xuân boléro nữa rất chắc tay, một lời chúc chắc nịch trong ca từ chắt chiu, đó là ca khúc "Cánh thiệp đầu Xuân" của Lê Dinh và Minh Kỳ:
"Tôi chúc gì đây vào mùa Xuân này/ Khi nắng vàng phai nhuộm làn tóc ai/ Khi gió nhẹ lay hoa đào nồng thắm/ Trong khi Xuân đến mới tô đẹp tháng năm/… Tôi chúc yên lành người khắp chốn/ Mong gió đưa duyên cho cô gái xuân thì/ Ước nguyện sao chóng thành/ Rượu hồng se duyên"…
Trước năm 1975, 3 nhạc phẩm Xuân boléro nêu trên là những bài hát "đinh" trong ba ngày Tết. Điều thú vị nữa là trong ba nhạc phẩm này đều tôn vinh người phụ nữ, có lẽ Xuân mà thiếu phụ nữ thì mất Xuân chăng, nên người đời mới gọi là nàng Xuân?
Bình luận (0)