Tại TP HCM, dù chưa tới những ngày cao điểm Tết nhưng đã có một lượng lớn người dân về quê, cộng với nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí tăng cao nên hầu hết các tuyến đường dày đặc các loại xe. Trong đó, căng thẳng nhất là 2 điểm "nóng" sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) và Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), do những khu vực này có nhu cầu đi lại rất lớn.
Ra ngõ là... kẹt xe
Ghi nhận thực tế trong những ngày gần đây, nhiều tuyến đường xung quanh sân bay như Trường Sơn, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Bạch Đằng... thường xuyên ùn ứ kéo dài.
Chôn chân trên đường Trường Chinh, TP HCM chiều 8-2 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Điển hình, trưa 8-2, hàng ngàn phương tiện phải nhích từng chút để lưu thông qua các tuyến đường trên. Trong đó, nghiêm trọng nhất là trên đường Trường Sơn, khi dòng xe "chôn chân" suốt từ khu vực qua cổng sân bay Tân Sơn Nhất cho tới vòng xoay Lăng Cha Cả. Ô tô xếp hàng dài, di chuyển chậm hơn người đi bộ, trong khi hàng ngàn xe máy phải kèn cựa từng chút không gian, len lỏi trong khoảng hở giữa dòng ô tô. Kẹt xe tại khu vực này gây dồn ứ đến các tuyến đường khác như Bạch Đằng, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa... Không ít người mệt mỏi, bơ phờ bởi kẹt xe. Thậm chí còn có trường hợp phải rời taxi để xách hành lý chạy bộ vào sân bay.
Trong khi đó, phía trong sân bay Tân Sơn Nhất, tình hình cũng khá căng thẳng khi lượng người tập trung ngày càng đông. Tại ga quốc tế, số lượng hành khách đã đông nhưng kéo theo số lượng người đón còn cao hơn gấp hàng chục lần. Những người tới đón Việt kiều về nước chủ yếu đi cả gia đình, thậm chí nhiều người thuê hẳn ô tô 16 chỗ, chở cả chục thành viên tới đón 1 người ở sân bay. Khi bảng thông báo các chuyến bay đến bị trễ giờ, nhiều người lại thất vọng, tiếp tục vạ vật ở hành lang nhà ga.
Chung cảnh ngộ, tại Bến xe Miền Đông, lượng khách đến bến mua vé Tết hoặc đi luôn trong ngày cũng đang tăng cao, nhiều thời điểm trong bến đông nghẹt người. Các tuyến đường xung quanh bến xe đang căng thẳng bởi mật độ phương tiện ngày càng dày đặc. Trong đó, tình trạng ùn ứ đang xảy ra với cường độ cao hơn ở các tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh và Nguyễn Xí, nhất là trong giờ cao điểm.
Bắt khách kiểu "bay - chụp"
Chuẩn bị vào thời gian cao điểm Tết nên hoạt động của xe dù, bến cóc trên địa bàn TP HCM cũng diễn ra rầm rộ hơn. Điển hình như trên Quốc lộ 1, đoạn trước Khu Du lịch Suối Tiên (quận 9), đoạn gần ngã tư Bình Phước và cầu vượt Sóng Thần (quận Thủ Đức)... mỗi ngày có hàng trăm xe đón - trả khách dọc đường, gây lộn xộn và mất trật tự an toàn giao thông.
Còn tại tỉnh Bình Dương, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người ra Quốc lộ 13 đón xe về các tỉnh Bình Phước, Tây Nguyên, miền Tây… Phóng viên chứng kiến cảnh một chiếc xe khách đang chạy trong làn đường ô tô bỗng đảo lái đâm gấp vào làn đường xe hai bánh. Phụ xe thấy một phụ nữ đang đón xe hét lớn: "Chạy tới đây, vọt lên đi. Xe dừng là công an hốt đó". Bất chấp dòng xe máy đang lao vun vút, người phụ nữ băng ra từ vỉa hè, nhào lên xe khách đang chạy. Phụ xe đưa tay ôm chặt người phụ nữ rồi đẩy vào phía trong. Chiếc xe này sau đó còn bắt khách kiểu "bay - chụp" vài lần cho đến khi không còn chỗ nhét.
Đây cũng là khu vực đón xe của công nhân ở các KCN quanh vùng này. Theo số liệu của LĐLĐ tỉnh Bình Dương, năm nay có khoảng hơn 700.000 công nhân về quê đón Tết. Trung tá Thượng Văn Lành, Đội trưởng Đội CSGT thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương, cho biết không chỉ trên Quốc lộ 13, mà các tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn, đường gần KCN khu dân cư những ngày này thường xuyên xuất hiện xe dừng đỗ, bắt khách sai quy định hoặc nhồi nhét khách.
Đây là dịp người lao động ở Đồng Nai cũng như các tỉnh phía Nam ồ ạt về quê ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc nên tình trạng giao thông luôn diễn biến phức tạp. Trên tuyến Quốc lộ 1, mật độ xe cộ lưu thông bắt đầu tăng lên từng ngày. Tại khu vực ngã tư Amata, ngã tư Tam Hiệp các loại xe liên tục tấp vào lề đón khách bất chấp nguy hiểm. Những xe đi về các tỉnh miền Trung, các tuyến Bắc - Nam cũng liên tục dừng đón khách trên Quốc lộ 1, rải dài từ TP Biên Hòa về đến thị xã Long Khánh. Tương tự, trên Quốc lộ 51, hàng loạt xe du lịch chạy hướng TP Vũng Tàu và ngược lại, thường dừng đậu sát mé đường để đón khách.
Giảm họp, ra đường chỉ đạo
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an có công điện chỉ đạo công an các tỉnh, TP huy động các nguồn lực, hạn chế họp hành, tập trung cao độ vào công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết.
Lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu lãnh đạo công an các địa phương, trực tiếp là phó giám đốc phụ trách lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tập trung đôn đốc, chỉ đạo cảnh sát giao thông và các lực lượng khác tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. "Lãnh đạo công an các cấp hạn chế họp hành, dành nhiều thời gian kiểm tra, đôn đốc trực tiếp trên các tuyến đường" - Bộ Công an yêu cầu.
Công an Hà Nội, TP HCM và các tỉnh giáp ranh của hai TP này phải tập trung chỉ đạo, huy động các lực lượng công an, thanh niên tình nguyện, tổ dân phố, cựu chiến binh... thực hiện các biện pháp điều hòa giao thông, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, ùn ứ giao thông trong khu vực nội thành và các tuyến ra vào nội thành, nhất là biện pháp phân luồng xe, hạn chế xe vào trung tâm; điều chỉnh chế độ đèn tín hiệu điều khiển giao thông phù hợp và trực tiếp điều khiển giao thông ở những nơi bị ùn ứ, không để gây ra ùn tắc và ùn tắc kéo dài.
Riêng tại Hà Nội, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, cho biết đã yêu cầu Thanh tra giao thông lập, bố trí thường xuyên 83 chốt trực với 105 lượt người/ca để phân luồng, bảo đảm ATGT. Công an TP Hà Nội đã yêu cầu Phòng CSGT (PC67) từ nay đến hết tháng 2-2018 phải huy động 100% cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn, phân luồng bảo đảm trật tự ATGT trong giờ cao điểm, đặc biệt là tại 37 điểm, nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc và các điểm chợ hoa, vui chơi Tết.
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM, cho biết, sẽ sử dụng 100% quân số để thanh, kiểm tra thường xuyên các khu vực phức tạp về tật tự an toàn giao thông trong những ngày cao điểm Tết, nhất là tăng cường kiểm tra tại các bến xe khách liên tỉnh như Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, Bến xe An Sương, Quốc lộ 13, Khu Du lịch Suối Tiên; xử lý nghiêm các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông…
Không để ùn tắc ở sân bay, bến xe
Theo Sở GTVT TP HCM, vào những ngày trước, trong và sau Tết sẽ tập trung phân luồng giao thông hợp lý, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại sân bay, cảng, bến xe, bến phà.
Còn theo Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt (PC67) - Công an TP HCM, đơn vị đã đã xây dựng các phương án, kế hoạch để tập trung hạn chế ùn tắc và các nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông. Chỉ đạo các đơn vị ở khu vực cửa ngõ TP, tập trung tối đa lực lượng, phương tiện để điều hòa giao thông, hạn chế ùn tắc và tai nạn, giúp người dân khi tham gia giao thông được thuận lợi và thông suốt.
Xả trạm BOT nếu ùn ứ quá 700 m
Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư BOT bảo đảm thông xe, không được để xảy ra ùn tắc trong dịp Tết. Trước lo ngại vào dịp Tết sẽ tái diễn tình trạng lái xe dùng tiền lẻ để trả tiền mua vé, dừng xe tại trạm thu phí, gây ùn tắc giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng các tài xế không nên dùng các biện pháp tiêu cực gây ùn tắc, ảnh hưởng đến những người có công việc, nhu cầu cần phải đi lại nhanh. Bộ GTVT đã chỉ đạo các trạm BOT khi xảy ra ùn tắc từ 700 m trở lên do bất cứ vấn đề gì đều phải xả trạm để giải quyết ùn tắc. Cùng với việc cắm biển cấm dừng xe quá 5 phút tại trạm thu phí BOT, Tổng cục Đường bộ đã cử 7 đoàn làm việc với các nhà đầu tư BOT, các địa phương để tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm các lái xe cố tình gây ách tắc giao thông tại trạm.
Bình luận (0)