Sau khi 5 bài trong tuyến điều tra đặc biệt "Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp" được đăng tải, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động.
Bảo vệ từng mét vuông đất rừng tự nhiên
Ông Hoàng Tiến Dũng cho biết trong Quyết định số 500 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) có ban hành kèm phụ lục danh mục các dự án thủy điện tiềm năng.
Nhiều ngày theo chân cán bộ kiểm lâm, phóng viên Báo Người Lao Động chuyển tải tới bạn đọc bức tranh những hệ lụy khôn lường nếu thủy điện xuất hiện trong Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Ba dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, Đắk R’lấp 2 và Đắk R’lấp 3 thuộc danh mục các dự án tiềm năng. "Các dự án tiềm năng này là các dự án có thể làm được nhưng để thực hiện sẽ cần những bước đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa cùng với việc lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương có liên quan" - ông Hoàng Tiến Dũng thông tin.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Bộ Công Thương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để trình Chính phủ. Ông Dũng khẳng định 3 dự án trên "chưa được đưa vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII mà Bộ Công Thương trình Chính phủ".
Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng nhấn mạnh đối với các dự án thủy điện, quan điểm của Bộ Công Thương là cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các tác động đến môi trường, đất đai, diện tích rừng. Đồng thời, đánh giá yêu cầu kinh tế - xã hội, kỹ thuật khác.
"Việc thực hiện đầu tư một dự án thủy điện rất phức tạp nên được nghiên cứu rất kỹ lưỡng" - ông Dũng nhấn mạnh, đồng thời cũng cho biết quan điểm của lãnh đạo Bộ Công Thương trước đó là bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1 m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không cho phép triển khai. Đây là quan điểm nhất quán của Bộ Công Thương khi thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định sau phản ánh của báo chí sẽ rà soát các vấn đề có liên quan.
Lý do bỏ một nội dung quan trọng
Trong cuộc phỏng vấn ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng, ngày 17-11, phóng viên nhắc lại quan điểm của sở này trong cuộc họp các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng hồi tháng 10-2020. Ông Võ Danh Tuyên khẳng định đến hiện tại quan điểm của sở không thay đổi.
"Khi hỏi đến ý kiến thì chắc chắn Sở NN-PTNT sẽ trả lời không đồng ý việc triển khai các hoạt động liên quan đến 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3. Mình là người gác cổng, tham mưu về lĩnh vực được giao thì phải nói đúng hiện trạng, đúng thực tế và nói đúng quan điểm" - ông Tuyên quả quyết.
Nguồn tài nguyên quý giá
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết VQG Cát Tiên chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý báu không riêng của Việt Nam mà là cả thế giới. Ở đây hiện có 357 loài chim, 83 loài bò sát, 41 loài lưỡng cư, 156 loài cá nước ngọt nằm trong Sách đỏ Việt Nam hoặc Sách đỏ thế giới (Danh lục IUCN).
Đặc biệt, có các sinh cảnh của quần thể voi châu Á (Elephas Maximus) từ 9-11 cá thể; quần thể bò tót (Bos gaurus) với 110 cá thể; bò rừng (Bos banten) với khoảng 8 - 10 cá thể...
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT chia sẻ rằng trong cuộc họp đó, sở cùng Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên - 2 đơn vị trực tiếp quản lý bảo vệ rừng - có nhiều phân tích và không đồng ý đưa 3 dự án thủy điện này vào Quy hoạch điện VIII nhưng rồi vẫn được đưa vào thì "cũng là câu chuyện bình thường". Tuy nhiên, việc đưa vào là để xem xét chứ không hẳn cứ vào được quy hoạch là được triển khai. Vào quy hoạch nhưng có thể vĩnh viễn không ai xem xét.
Về khả năng 3 dự án thủy điện này có thể được triển khai hay không, ông Tuyên nói tất cả dự án, hạng mục mà phải chuyển mục đích rừng tự nhiên là cực kỳ khó. Bởi theo điều 14 Luật Lâm nghiệp, tuyệt đối không chuyển rừng tự nhiên trừ những dự án, công trình trọng điểm quốc gia, an ninh quốc phòng nhưng phải được Chính phủ phê duyệt.
Chúng tôi nhắc lại văn bản ngày 3-11-2020 của Sở Công Thương gửi UBND tỉnh Lâm Đồng (về việc đề xuất 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3, trong đó lược bỏ đoạn nói về vị trí đề xuất làm thủy điện là "phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên" cũng như số liệu đề xuất chưa chính xác), ông Tuyên nhận định có thể phía Sở Công Thương không phải là cơ quan có chuyên môn sâu về lĩnh vực này nên đã thiếu. Tuy nhiên, nếu 3 dự án triển khai thì phải có báo cáo, lấy ý kiến sở, ngành. Lúc đó số liệu và hiện trạng, mọi vấn đề liên quan đều phải rõ ràng, minh bạch. Nếu thiếu thì không thể lấy ý kiến được.
Phải cẩn trọng, đúng quy định
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng hiện nay tình hình thiếu năng lượng của Việt Nam đã xảy ra, do đó Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Quy hoạch điện VIII là rất cần thiết.
Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng trong việc phát triển năng lượng trên toàn quốc, trong đó có thủy điện. QH khóa XIV đã có nghị quyết yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất phát triển thủy điện ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là thủy điện nhỏ. Việc 3 dự án thủy điện quy mô nhỏ kia dự tính xây dựng tại vị trí vùng lõi VQG Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên cần phải được chính quyền địa phương xem xét một cách thấu đáo, cẩn trọng, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường. Nếu cố tình phát triển thủy điện nhỏ để ảnh hưởng đến môi trường thì phải chịu trách nhiệm.
Cũng theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, đối với Lâm Đồng, các dự án này dù có cho làm thì hiệu quả kinh tế - xã hội thu lại cũng không bao nhiêu, trong khi làm trong vùng lõi của VQG Cát Tiên là vấn đề rất nghiêm trọng.
"Vì vậy đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng lắng nghe ý kiến phản biện của chuyên gia, nhà khoa học, dư luận về 3 dự án này" - ông Hòa nói và nêu chính kiến không nên cho phép phát triển thủy điện nhỏ. Không thể vì một lợi ích cục bộ mà làm ảnh hưởng đến người dân sống quanh vùng dự án cũng như môi trường, hệ sinh thái rừng ở VQG Cát Tiên.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: VĂN DUẨN
Đối với Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị theo dõi sát và sớm có tiếng nói phản biện về việc dự kiến xây dựng 3 dự án thủy điện nhỏ Đắk R’lấp 1, 2, 3.
Liên quan 3 dự án trên, ông Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai - nêu quan điểm việc đề xuất là của doanh nghiệp, còn việc xét duyệt, cấp phép phải đúng quy định của pháp luật. "Các cơ quan chức năng phải thẩm định, xem xét kỹ lưỡng, nhất là việc bảo vệ môi trường, giữ rừng sinh thái, phòng chống lũ lụt..." - ông Quản Minh Cường nhấn mạnh.
Đã rõ quan điểm
"Vị trí 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 có tọa độ nằm gần 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trước đây bị loại nên có khi nào việc này là để "hồi sinh" 2 dự án từng bị khai tử hay không?" - phóng viên Báo Người Lao Động đặt vấn đề.
Cán bộ kiểm lâm đang theo dõi bản đồ hiện trạng rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Ông Võ Danh Tuyên trả lời 2 dự án Đồng Nai 6 và 6A bị loại vì tác động xấu đến môi trường. Nhiều cơ quan, đặc biệt là Sở NN-PTNT, khi được lấy ý kiến đối với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 đã nêu rõ quan điểm của mình là không đồng ý.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định với phóng viên không gặp bất cứ áp lực từ phía nào trong việc xem xét đề xuất đưa 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 vào Quy hoạch điện VIII.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-11
Bình luận (0)