Trưa 7-9, thượng tá Đặng Hoàng Long, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Khánh Hòa, đã cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến vụ cướp ngân hàng diễn ra tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Ninh Hòa, thuộc Chi nhánh Vietcombank Khánh Hòa vào sáng 5-9. Hiện Công an Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án.
Sẵn sàng nổ súng
Theo thượng tá Long, vụ cướp do 2 nghi phạm Trần Hoàng Nhất Hùng (SN 1982) và Đàm Minh Quang (SN 1988, cùng ngụ phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) thực hiện và đã bị bắt vào tối 6-9. Bước đầu xác định Hùng là đối tượng cầm đầu. Các khẩu súng sử dụng trong vụ cướp do Hùng tự chế.
Để thực hiện vụ cướp, 2 tên cướp đã dành 4 tháng để chế tạo vũ khí, điều tra, nắm tình hình và lên kế hoạch nhằm cướp hàng loạt ngân hàng. Tuy nhiên, trong vụ đầu tiên đã bị bắt. Ngoài khẩu súng rơi ở hiện trường, khám xét nơi ở của 2 nghi phạm này, công an phát hiện 5 khẩu súng tự tạo khác, 50 viên đạn, nhiều dụng cụ để chế tạo súng. Số tiền bị cướp, theo ngân hàng thông báo là 4,5 tỉ đồng nhưng chỉ thu lại được 3,7 tỉ đồng. "Số tiền còn lại 800 triệu đồng, theo lời khai của Hùng đã đưa một phần cho vợ trả nợ tiền mua heo, phần còn lại cho một số người và tiêu xài cá nhân. Chúng tôi đang tiếp tục thu hồi" - thượng tá Long nói.
Hai đối tượng dùng súng tự chế cướp Ngân hàng Vietcombank Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 5-9 Ảnh: Hồng Ánh
Liên quan đến súng tự chế, giữa tháng 7-2018, Phòng PC45, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt xóa ổ nhóm cho vay tín dụng, ghi lô đề do Nguyễn Tác Văn (SN 1990, ngụ phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa) cầm đầu, bắt giữ 7 đối tượng. Đây là nhóm côn đồ manh động, chuyên sử sụng vũ khí tự chế, dao kiếm khi đi đòi nợ. Cụ thể, sáng 16-6 nhóm này đã tới tận nhà dùng súng tự chế và súng đạn ria bắn trọng thương một người ở huyện Hoằng Hóa. Tại nhà của các đối tượng này, công an phát hiện thêm 5 khẩu súng tự chế (2 súng bắn đạn ria, 3 khẩu súng ổ quay).
Còn tại Đắk Lắk, từ năm 2014 đến nay đã xảy ra 20 vụ án có liên quan đến súng tự chế, làm chết 4 người, bị thương 24 người. Điển hình là vào tháng 4-2018, có hai nhóm thanh niên ở xã Ea Tam (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) xảy ra mâu thuẫn rồi hẹn nhau đến ngã ba Phúc Hòe (xã Ea Tam) để giải quyết. Tại đây, nhóm ở Buôn Trăp (xã Ea Tam) có 7 người, chuẩn bị nhiều vũ khí, trong đó có 2 khẩu súng tự chế đứng đợi sẵn. Khi gặp nhau, 2 đối tượng cầm súng đã bắn về phía đối thủ khiến 1 người bị thương nặng.
Dễ dàng sản xuất, mua bán
Cách đây chưa lâu, Công an tỉnh Thái Bình đã triệt phá đường dây chuyên mua bán, sản xuất trái phép vũ khí tự chế qua mạng với sự tham gia của 28 đối tượng, thu giữ hơn 20 khẩu súng tự chế các loại, 20 nòng súng, 3 bầu nén khí và nhiều phụ kiện dùng để chế tạo vũ khí có tính năng sát thương và gây tử vong cao. Trong 28 đối tượng liên quan thì Nguyễn Thanh Hải (SN 1990; trú huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Văn Hưng (SN 1986; trú TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là những kẻ nổi cộm trong hoạt động chế tạo và cung cấp "hàng nóng" trên mạng xã hội. Hoạt động mua bán, vận chuyển được các đối tượng thực hiện hết sức tinh vi dưới hình thức đặt hàng qua mạng và gửi hàng theo đường bưu điện.
Súng tự chế được Công an Hải Phòng thu hồiẢnh: Trọng Đức
Qua nhiều tháng điều tra, công an quận Lê Chân (Hải Phòng) cũng vừa triệt phá xưởng sản xuất vũ khí với quy mô lớn của Phạm Ngọc Huy (48 tuổi, trú tại phường Cát Dài, quận Lê Chân). Lực lượng công an đã thu giữ nhiều máy móc, thiết bị, 2 khẩu súng rulô, 4 phôi thân súng bằng kim loại, 38 viên đạn... Một lãnh đạo Công an quận Lê Chân, cho biết qua kiểm nghiệm, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kết luận số vũ khí trên có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng, có độ sát thương cao.
Vào tháng 5-2018, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hải Dương bắt quả tang Bùi Minh Hiến vận chuyển trái phép 5 khẩu súng ngắn (kiểu ổ quay) và 9 viên đạn tại khu vực trước quán cơm Cánh Đồng, thuộc địa phận phường Tứ Minh (TP Hải Dương). Khám xét nơi ở của Hiến, lực lượng công an thu thêm 2 khẩu súng hơi. Theo khai nhận của Hiến, toàn bộ số súng trên là do đối tượng tự chế để bán ở các tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng và một số địa phương khác. Loại súng ngắn trên bắn đạn cỡ 5,6 mm.
Chỉ trong 2 tháng qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ hàng trăm khẩu súng tự chế bắn đạn bi, đạn hoa cải và súng quân dụng. Đại tá Tống Anh Thơ, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, cho rằng mặc dù thường xuyên vận động nhưng một bộ phận người dân nhận thức còn hạn chế nên vẫn không chịu giao nộp súng, bên cạnh đó một số đối tượng ngoan cố, giấu vũ khí ở trong rừng. "Không chỉ súng quân dụng mà các loại súng tự chế được làm từ những ống nhựa khi bắn cũng có thể gây chết người. Nếu không thu hồi sớm, đây là nguy cơ cao dẫn đến mất an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cũng như trong khu dân cư" - đại tá Thơ lưu ý.
Trong năm 2017 Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ hơn 500 khẩu súng quân dụng và hàng ngàn khẩu súng tự chế. Đại tá Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho rằng số lượng súng thu giữ trong những năm qua rất lớn nhưng thực tế hiện số lượng súng tự chế ở trong dân vẫn còn rất nhiều.
Trấn áp tội phạm sử dụng hàng "nóng"
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, từ năm 2012 đến tháng 6-2017, trên toàn quốc đã xảy ra hơn 9.200 vụ việc liên quan đến việc sản xuất, mua bán, sử dụng vũ khí tự chế, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ. Các hoạt động này diễn ra trong phạm vi lớn, với phương thức thủ đoạn tinh vi, tính chất nguy hiểm, khó lường, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố. Tổng cục Cảnh sát đánh giá tình trạng rao bán hay dạy cách sản xuất các loại vũ khí tự chế, công cụ hỗ trợ… ngày càng diễn ra công khai và phức tạp, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook hay Zalo.
Về biện pháp ngăn chặn, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công TP Hải Phòng, bày tỏ: "Cách đây 4 năm, Hải Phòng đã thực hiện 2 đề án lớn là triệt xóa các ổ nhóm tội phạm có tổ chức và xóa phá các tụ điểm về ma túy. Từ việc thực hiện 2 đề án này, Công an TP Hải Phòng xác định phải tập trung vào các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, tập trung nắm tình hình, giải quyết các vấn đề từ gốc".
Qua một số vụ án đã phát hiện, triệt phá, Công an TP Hải Phòng nhận thấy hàng "nóng" trong tay các đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm. Từ đó, cùng với việc xóa phá các băng nhóm này, Công an TP Hải Phòng tập trung trấn áp tội phạm mua bán, sản xuất, chế tạo vũ khí… Chính vì vậy, những năm gần đây, Hải Phòng đã thành công trong việc kềm chế sự bùng phát của những băng nhóm tội phạm, đặc biệt là băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng gây án.
Còn theo thượng tá Lê Ngọc Anh, Phó trưởng Công an TP Thanh Hóa, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các ổ nhóm tội phạm sử dụng vũ khí rất tinh vi nên cần sự phối hợp chặt chẽ nhiều lực lượng để đấu tranh. "Chúng tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, từ cảnh sát khu vực đến cảnh sát điều tra, cảnh sát cơ động... Nhờ đó, đã tạo dựng và phối hợp rất tốt các phương án điều tra, đánh án qua nhiều vụ án nổi cộm có sử dụng vũ khí nóng đã được TP nhanh chóng triệt phá" - thượng tá Anh nói.
Giao nộp gần 100.000 khẩu súng tự chế, súng săn
Một lãnh đạo Bộ Công an cho biết thời gian qua, đã giao cho công an các đơn vị, địa phương tổng kiểm tra, rà soát công tác trang bị, quản lý, sử dụng, thống kê vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý để phân loại, đăng ký, quản lý, thu hồi, thanh lý, tiêu hủy theo quy định của luật.
Theo thống kê của Bộ Công an, qua 6 năm triển khai việc quản lý vũ khí, công an các đơn vị, địa phương đã vận động người dân giao nộp 98.649 khẩu súng các loại (chủ yếu là súng tự chế, súng săn); trên 5.160 quả bom; 5.392 lựu đạn, mìn; 33.480 quả đạn, đầu đạn; 47.452 kg thuốc nổ; 143.753 kíp nổ. Tỉ lệ điều tra khám phá các vụ án có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gây án đạt 91,8%.
Bình luận (0)