Từ đầu năm 2019 đến nay, đường sắt đã xảy ra 4 sự cố tàu trật bánh. Vụ việc mới nhất là khoảng 8 giờ ngày 19-2, đoàn tàu chở hàng AH2 chạy từ ga Sóng Thần đến ga Suối Kiết (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) thì 2 toa bị trật bánh và 1 toa khác lật ngửa. Sự cố này khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt.
Chưa điều tra được nguyên nhân
Trước đó một ngày, khoảng 18 giờ 45 phút ngày 18-2, tàu SBN1 chở hàng đã bị trật bánh 1 toa tại khu gian Mỹ Lý - Quán Hành (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) khiến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn nhiều giờ.
Một vụ tai nạn khác xảy ra vào khoảng 1 giờ ngày 14-2, khi tàu khách TN7 kéo theo 13 toa, đang lưu thông về ga Sài Gòn, khi đến khu vực giao nhau với đường bộ ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã bị trật bánh khỏi đường ray. Ngày 27-1, tàu SE1 khi chạy qua ga Sông Lòng Sông (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) bất ngờ 1 toa bị trật bánh 4 trục.
Vụ tai nạn làm tàu trật bánh vào sáng 19-2 Ảnh: CLB ĐAM MÊ ĐƯỜNG SẮT
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết các vụ tàu trật bánh từ đầu năm 2019 đến nay, đang được điều tra, phân tích để tìm nguyên nhân cụ thể. "Hạ tầng đường sắt lạc hậu là một trong những nguyên nhân khiến sự cố đường sắt liên tiếp xảy ra" - ông Hoạch nói.
Lãnh đạo VNR cho biết đang huy động lực lượng, phương tiện để cứu hộ, khắc phục sự cố 2 đoàn tàu hàng bị trật bánh ngày 18 và 19-2, sau đó sẽ kiểm tra hạ tầng, phương tiện để tìm nguyên nhân sự cố, đồng thời tăng cường rà soát toa xe từ ga xuất phát và hạ tầng đường sắt trên nhiều khu đoạn.
Về nguyên nhân vụ trật bánh tàu SE1 ở ga Sông Lòng Sông, VNR vẫn chưa kết luận do hội đồng giám định phải kiểm định toa xe và một số thiết bị tại ga. Vụ trật bánh tàu TN7 tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 14-2 xác định nguyên nhân ban đầu là do đường ray gãy.
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho rằng nhìn từ những bức ảnh hiện trường của những vụ tàu bị trật bánh, "thì toa xe cũ, hạ tầng chưa được bảo trì tốt có thể là nguyên nhân". Cục Đường sắt đã lập tổ điều tra độc lập để đánh giá các sự cố vừa qua, đồng thời yêu cầu VNR tăng cường bảo trì hạ tầng đường, phương tiện, toa xe. "Các sự cố thuộc thẩm quyền điều tra của VNR, chúng tôi đã yêu cầu có kết luận trong tháng 2-2019" - ông Vũ Quang Khôi nói.
Phấn đấu giảm... 5% vụ tai nạn
Ông Đoàn Duy Hoạch phân tích để kéo giảm các vụ tai nạn đường sắt, các sự cố và nguy cơ đe dọa mất an toàn chạy tàu, năm 2018 VNR thực hiện nhiều biện pháp đổi mới công tác kiểm tra an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến đường sắt. Các đơn vị đã tự tổ chức kiểm tra và lập 10.554 biên bản, xử lý 128 cá nhân vi phạm. Riêng cấp tổng công ty đã thành lập 87 đoàn kiểm tra đột xuất. Ngoài việc kiểm tra thường xuyên theo quy định, từ tổng công ty đến các đơn vị liên quan phối hợp với Phòng 9 Cục CSGT, Thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam, các đoàn kiểm tra liên ngành tại các địa phương thành lập 158 đoàn kiểm tra bảo đảm ATGT ở tất cả các hệ, trên các tuyến đường sắt.
Đối với các vụ tai nạn, vi phạm quy trình quy phạm, sự cố uy hiếp an toàn chạy tàu do chủ quan, VNR đã kịp thời điều tra, phân tích, tìm nguyên nhân, quy kết trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức liên đới. "Các đơn vị đã xử lý 10 tập thể và 41 cá nhân liên quan, đồng thời thông báo kết luận gửi đến các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm và xây dựng biện pháp phòng ngừa, tránh tái diễn" - ông Hoạch cho biết.
Theo ông Hoạch, mới đây, VNR đã có chỉ thị về công tác bảo đảm ATGT đường sắt năm 2019. Theo đó, mục tiêu năm 2019 tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực về tình hình ATGT đường sắt, phấn đấu giảm ít nhất 5% trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương; không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do chủ quan; giảm ít nhất 5% tai nạn chạy tàu nghiêm trọng, ít nghiêm trọng và sự cố chạy tàu có tính chất nghiêm trọng do chủ quan.
119 người chết trong năm 2018
Trong năm 2018, ngành đường sắt xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông, làm chết 119 người, bị thương 60 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 17 vụ , giảm 14 người chết, tăng 10 người bị thương.
Ông Đoàn Duy Hoạch cho hay tai nạn đường sắt chủ yếu do khách quan và xảy ra nhiều tại các lối đi tự mở và dọc trên đường sắt (chiếm gần 80%), còn lại là tại đường ngang cảnh báo tự động và đường ngang biển báo. Một phần nguyên nhân do nhân viên đường sắt chưa chấp hành nghiêm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy trình liên quan trong bảo đảm ATGT.
Bình luận (0)